1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng: Chăm sóc người có công phải gắn với giảm nghèo

(Dân trí) - “Năm 2015, ngành LĐ-TB&XH cần tập trung vào lĩnh vực đào tạo nghề theo nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược dạy nghề đến năm 2020. Đồng thời, công tác xây dựng chính sách lao động, dạy nghề, việc làm, thị trường lao động, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động cần được ngành quan tâm hơn”.

Phó Thủ tướng: Chăm sóc người có công phải gắn với giảm nghèo

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2015, chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 22/1 tại Hà Nội.

Đánh giá công tác triển khai năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra. Bộ đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách về an sinh xã hội.

Công tác giải quyết việc làm cả nước đạt khoảng 1,6 triệu lao động, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,6% so với năm 2013. Trong đó tạo việc làm trong nước khoảng gần 1,5 triệu lao động (đạt 98,8% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 2013). Xuất khẩu lao động khoảng 106.000 người, đạt hơn 120% kế hoạch.

Về dạy nghề, cả nước tuyển mới hơn 2 triệu người, đạt gần 114% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước tính cuối năm đạt 49%. Mạng lưới dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa. Đến cuối năm 2014, cả nước có 1.465 cơ sở dạy nghề.

Cơ chế, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với người lao động.

Quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động được tăng cường. Năm 2014 gần 10.900 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện 563 doanh nghiệp, cơ sở vi phạm; phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời các vi phạm, sự cố nghiêm trọng về an toàn lao động.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2% so với cuối năm 2013 (từ 7,8% xuống còn 6-5,8%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014) hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao…

Với kết quả thực hiên của ngành LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của toàn ngành trong năm 2014.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, trong năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về lao động, dạy nghề, việc làm, thị trường lao động, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động...

Trong đó, ngành cần tập trung vào lĩnh vực đào tạo nghề theo nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Dạy nghề đến năm 2020; đánh giá lại hệ thống các trường, trung tâm dạy nghề (công - tư) để có lộ trình phát triển, sắp xếp lại căn bản hệ thống dạy nghề sao cho tiết kiệm, thiết thực nhất” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Liên quan đến lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phòng chống ma túy là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, cần sự đồng thuận cao trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật.

Để triển khai tốt hơn, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục phối hợp tốt với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp thực hiện tốt việc tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công. Bên cạnh đó, việc chăm sóc người có công cần gắn với công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội để có thể tăng cường hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân xã hội để mọi đối tượng đều được hỗ trợ, tạo sự gắn kết, chia sẻ trong cộng đồng xã hội.

Tiếp thu những ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng năm 2015, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu mới.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH sẽ kết hợp với các Bộ, ban ngành khác để xây dựng các văn bản liên quan tới nhiều Bộ Luật mới có hiệu lực như: Luật Bảo Hiểm Y tế có hiệu lực từ 1/1/2015, Luật Giáo dục Nghề nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2015, Luật Bảo hiểm Xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016…

Nhiều vấn đề tồn tại sẽ được ngành LĐ-TB&XH tập trung như: Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động; tăng chất và số lượng việc làm, tăng năng suất lao động; hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật lao động.

“Đồng thời, công tác giảm nghèo cần tập trung nhằm tăng tính bền vững, giảm chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên…”- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Hoàng Mạnh