1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Chủ tịch Quốc hội: Tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng của hòa bình

(Dân trí) - Tại Phiên toàn thể thứ nhất của Hội đồng điều hành IPU diễn ra sáng 29/3 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững”.

Phiên khai mạc của Hội đồng điều hành IPU diễn ra sáng 29/3 (Ảnh website IPU 132)

Phiên khai mạc của Hội đồng điều hành IPU diễn ra sáng 29/3 (Ảnh website IPU 132)

Phiên toàn thể thứ nhất Hội đồng điều hành IPU đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sự kiện này sẽ là điểm nhấn trong tổng thể ngoại giao nhà nước và ngoại giao đa phương của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.  IPU-132 diễn ra vào năm 2015 là thời điểm chuyển giao quan trọng của cộng đồng thế giới với nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững, xác định các mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực sự “biến những lời nói thành hành động,” thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã điểm lại một số thành tựu trong việc thực hiện 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Bà cho biết, bên cạnh các thành tựu, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được tận gốc tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng. Bà cho rằng, điều này đòi hỏi sự tiếp tục nỗ lực, sự hợp tác của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và từng cá nhân trên phạm vi toàn cầu để phát triển thực sự bền vững.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã nêu một số đề xuất của Việt Nam đối với phát triển bền vững như phát triển bền vững phải dựa trên ba trụ cột: tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ và công bằng, tiến bộ xã hội; nâng cao vai trò của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy thực hiện SDGs; Tiếp tục mở rộng và thúc đẩy thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu được xây dựng dựa trên việc xây dựng lòng tin và quyết tâm của các Quốc hội vì mục tiêu phát triển bền vững.

Đặc biệt, bà nhấn mạnh, để đảm bảo việc xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và các Mục tiêu phát triển bền vững, cần khẳng định hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Do đó, nỗ lực phấn đấu tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột tiềm tàng và tìm giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay là nhiệm vụ lâu dài, cấp bách và trách nhiệm của tất cả các quốc gia. Một trong các biện pháp hữu hiệu góp phần thể hiện trách nhiệm của các nước là tôn trọng luật pháp quốc tế - nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững.

Cố vấn đặc biệt, đại diện Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Amina Mohammed đã đề cập đến vai trò kiểm soát của quốc hội đối với Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như việc đặt con người vào vị trí trọng tâm trong quá trình phát triển.

Trong sáng 29/3 cũng diễn ra phiên khai mạc của Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện và của Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện.

P.V