Phó Chủ tịch Quốc hội lo ngại 4 điểm hạn chế của Thái Bình
(Dân trí) - Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu 4 nội dung đề nghị Đại hội bàn kỹ.
Sáng ngày 14/10, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Thái Bình, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Về tham dự và chỉ đạo Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã biểu dương, thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Thái Bình đã chủ động triển khai sớm và lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp; đồng thời, tích cực chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Bộ cho biết, báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội hôm nay đã thể hiện tinh thần đổi mới, dân chủ; nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ, ban, ngành trung ương, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém.
Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh Thái Bình diễn ra trong bối cảnh tình hình có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhất là những khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần khát vọng vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, Thái Bình vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu 4 nội dung và đề nghị Đại hội phải bàn thật kỹ.
Một là: Vì sao chúng ta chưa khai thác và phát huy có hiệu quả nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh hơn, nhất là lợi thế về đất đai, về con người, về du lịch?
Hai là: Vì sao nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh, nhưng chủ yếu vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ, chưa tạo dựng được những sản phẩm nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, có thương hiệu và giá trị cao của tỉnh Thái Bình?
Ba là: Vì sao chúng ta chưa thu hút được nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, thu hút được nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Thái Bình?
Bốn là: Vì sao công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bộc lộ yếu kém, nhất là về quản lý đất đai và môi trường. Các lĩnh vực: văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chúng ta đã đáp ứng tốt được sự mong mỏi của nhân dân hay chưa?
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị nghiêm túc kiểm điểm, chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra các bài học kinh nghiệm; từ đó bàn và quyết định những chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp sát thực, khắc phục một cách có hiệu quả những hạn chế, yếu kém để nhiệm kỳ tới, Thái Bình sẽ bứt phá, vươn lên, phát triển nhanh, bền vững hơn và đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến cho các văn kiện của Đảng; đồng thời, lựa chọn bầu được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XX gồm những người có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ, có đạo đức, năng lực, gương mẫu và tâm huyết, có uy tín, có bản lĩnh, trí tuệ, là trung tâm đoàn kết và có trách nhiệm với sự nghiệp phát triển của địa phương, có khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đề ra…