1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Chủ tịch nước: Nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Sáng 12/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 7 với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp".

Tham dự diễn đàn có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng; cùng 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong toàn quốc.

Phó Chủ tịch nước: Nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng - 1

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nêu rõ quan điểm "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò "làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn" của nông dân và dân cư nông thôn.

Thực tế, để đạt được mục tiêu xây dựng người nông dân chuyên nghiệp còn nhiều thách thức, khi nông dân còn gặp những khó khăn về vốn, nguồn lực đất đai trong phát triển sản xuất; thiếu kiến thức kỹ thuật, kỹ năng tiếp cận thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiếp thị nông sản. 

Phó Chủ tịch nước: Nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng - 2

Ông Lương Quốc Đoàn phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Vì vậy, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 7 nhằm đi tìm câu trả lời thế nào là người nông dân chuyên nghiệp, người nông dân cần phải làm gì để trở thành nông dân chuyên nghiệp? Những vấn đề đặt ra đối với nông dân trong giai đoạn mới như: Cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp; giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề về vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp - phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như: Thúc đẩy liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, nông dân với nông dân để xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa; các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết, chi tổ hội nghề nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, đào tạo nghề để nâng cao trình độ cho nông dân, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, có kiến thức giới thiệu, quảng bá, tiếp thị …để xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp.

Về vấn đề tri thức hóa cho nông dân, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, cho rằng: "Để giải quyết được vấn đề tri thức hóa nông dân, phải xuất phát từ những nghịch lý trong sản xuất hiện nay và xem xét chúng ta cần phải giúp đỡ nông dân những gì".

Ông Thịnh đưa ra dẫn chứng, nông dân sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng lại không hiểu hoặc là rất khó tiếp cận với thị trường; năng suất nông nghiệp, năng suất sinh học tăng rất nhiều nhưng thu nhập của nông dân không tăng hoặc tăng rất chậm; nông dân cần khoa học kỹ thuật, thị trường khoa học kỹ thuật cũng rất rộng mở nhưng việc tiếp cận thị trường này của nông dân rất khó, cùng rất nhiều các nghịch lý khác. Đây là những tiền đề chúng ta cần phải suy nghĩ để mà hỗ trợ, trang bị tri thức cho nông dân.

Nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng

Phó Chủ tịch nước: Nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng - 3

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ, nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, khủng hoảng và xung đột trên thế giới, nhưng năm 2021, nông nghiệp nước ta vẫn giữ được đà tăng trưởng, đạt mức 2,98%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục 48,6 tỷ USD; 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,3 tỷ USD, xuất siêu 6,4 tỷ USD.

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, hạnh phúc. Đến nay, cả nước có hơn 71% xã và hơn 39% đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 16 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Chủ tịch nước cho biết, những thành tựu đó có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao;

Ngoài ra, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực cho lao động nông thôn còn hạn chế; lao động nông thôn có xu hướng già hóa; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao;

Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng; an ninh nông thôn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp…

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị Diễn đàn cần tập trung bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20 về kinh tế tập thể đã đề ra. Đồng thời làm rõ nội hàm khái niệm "Người nông dân chuyên nghiệp"; tri thức hóa nông dân là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp.

Phó Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 của Trung ương, phát huy vai trò, vị thế của người nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, một nhiệm vụ rất quan trọng là vận động, tập hợp, liên kết người nông dân trong việc tiếp cận tri thức, trong đổi mới tư duy, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh… Do đó cần bàn giải pháp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân, của Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức liên quan để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.