1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Chủ tịch nước: “Người ta “ăn” của dân không từ cái gì”

(Dân trí) - Từ vụ nhân bản xét nghiệm “vô lương” ở Hoài Đức đến vụ biển thủ 3 tỷ đồng của học sinh dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bức xúc: “Người ta ăn của dân không từ cái gì nữa, từ liều vacxin con con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 11/9.

Mổ xẻ nguyên nhân người dân không “mặn mà” với bảo hiểm y tế, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải: “Vào bệnh viện, câu đầu tiên bác sĩ hỏi là có bảo hiểm không. Mà câu trả lời lại quyết định thái độ của nhân viên y tế”. Nhận định có sự phân biệt đối xử, ông Phúc cho rằng, điều đó khiến nhiều người bệnh ngại, kể cả có bảo hiểm thì vẫn muốn được khám chữa bệnh theo theo diện tự nguyện.

Ông Phúc kết luận, sự bất công bằng dẫn đến việc người dân cũng ko nhiệt tình tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị thay đổi cách thức sao để bác sỹ chỉ làm việc khám chữa bệnh còn giải quyết thủ tục, bảo hiểm hay tự chi trả có bộ phận khác đảm nhiệm.
 
Phó Chủ tịch nước: “Người ta “ăn” của dân không từ cái gì”
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: "Thái độ phân biệt đối xử khiến nhiều người bệnh ngại sử dụng thẻ BHYT".

Góp ý chung báo cáo giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn “phê” đoàn giám sát chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế nhưng lại không đề cập địa chỉ trách nhiệm. Đánh giá khía cạnh chất lượng khám chữa bệnh cho người có BHYT cũng được nhận xét chưa sâu, vấn đề y đức cũng chưa được đề cập. Trong khi đó, tiếp xúc cử tri, ông Sơn cho biết, các cán bộ hưu trí rất “kêu”, từ việc thuốc bảo hiểm hạn chế đến liều thuốc chích vào người cũng đau hơn nếu không có những khoản lót thêm.

Dẫn lại 2 vụ việc nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) và vụ người tố cáo không nhận khen thưởng khi vạch trần việc 1 trạm y tế xã ở Quảng Nam làm hồ sơ khống để lấy tiền bảo hiểm, ông Sơn thể hiện rõ bức xúc, yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm trong từng trường hợp.

“Không thể để tình trạng tiếp tục như hiện nay. Cần có báo cáo giám sát thể hiện sự đánh giá rõ ràng, thẳng thắn của đại biểu Quốc hội chứ không làm chỉ để lấy lòng nhau” - ông Sơn yêu cầu.
 
Tán thành ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu một loạt biểu hiện mà người dân phàn nàn khi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tề, từ chuyện thủ tục nhiêu khê, thái độ phục vụ miễn cưỡng, y đức có vấn đề… dẫn đến nhiều vướng mắc, khó dễ nên người dân rất e ngại, cực chẳng đã mới phải dùng đến thẻ, không thì sẵn sàng bỏ tiền túi đi khám bệnh theo kênh dịch vụ. Tình trạng lạm dụng BHYT trong kê đơn, chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp khiến giá dịch vụ y tế đội lên nhiều, ai chịu trách nhiệm?

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhận xét, báo cáo giám sát đã chỉ ra được bức tranh với những mảng sáng và những mảng rất tối hiện nay trong việc thực hiện chính sách BHYT với người nghèo và người lao động. Qua đó có thể khẳng định những ưu việt của chế độ, đất nước khi luôn quan tâm đến nhiều đối tượng, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng đồng tình với nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn về những “điểm khuyết” trách nhiệm trong báo cáo.

Theo Phó Chủ tịch nước, khiếm khuyết trong khám chữa bệnh mới được nói chủ yếu từ tình hình sử dụng kinh phí, chế độ chi trả nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là việc người có thẻ BHYT không được đối xử công bằng như người có tiền đi khám bệnh. Bệnh viện địa phương muốn giữ bệnh nhân có bảo hiểm làm bệnh tình trầm trọng hơn. Việc chi trả bảo hiểm cũng rất lâu, thủ tục khó khăn và thậm chí chi trả không đủ. “Người có thẻ bảo hiểm y tế rất cực” - bà Doan ca thán.
 
Phó Chủ tịch nước: “Người ta “ăn” của dân không từ cái gì”
Tách biệt khu vực của bệnh nhân BHYT và bệnh nhân dịch vụ là 1 giải pháp Bộ trưởng Y tế đưa ra để tránh áp lực tâm lý về khoảng cách.

Đoàn giám sát có chỉ ra những bất cập trong cách tính, cách chi trả bảo hiểm, tình trạng kết dư quỹ lớn trong khi người có thẻ BHYT đi khám bệnh vẫn không có thuốc tốt, không được hưởng kỹ thuật cao… Đáng nói là những vấn đề đó được chỉ ra nhưng lại chưa có hướng khắc phục.

Tỏ ý thông cảm với ngành y vì những vấn đề đã tích tụ qua thời gian dài, không phải đến giờ mới bức xúc nên Bộ trưởng Y tế nhiều lúc bị oan nhưng Phó Chủ tịch nước vẫn băn khoăn vì tình hình đã diễn ra lâu mà không được phát hiện, xử lý thì “nhờn thuốc” dẫn đến vi phạm sau nặng hơn vi phạm trước.

Chung bức xúc khi nhắc lại hiện tượng “vô lương tâm vô đạo đức” ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội), Phó Chủ tịch nước cũng dẫn thêm hiện tượng giám đốc bệnh viện khám bệnh cho bệnh nhân rồi đưa đơn thuốc đến nhà mình mua, cho đưa phương tiện bên ngoài vào bệnh viện rồi cùng chia doanh thu… Liên hệ với thông tin mới nhất trên báo chí về việc MTTQ ở Hà Tĩnh “nuốt” tiền TƯ hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, cũng như việc một trường miền núi biển thủ gần 3 tỷ đồng của học sinh dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch nước khái quát: “Người ta “ăn” của dân không từ cái gì nữa”.

“Sao giờ không ai sợ pháp luật, sợ bị trừng trị nữa? Mỗi ngày người ta “ăn” từng tí của dân, từ liều vacxin con con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm, trách nhiệm thuộc về ai?” – Phó Chủ tịch nước nêu câu hỏi và yêu cầu chỉ rõ chi tiết về trách nhiệm trong bức tranh đã vẽ về việc thực hiện chính sách BHYT.

“Giải trình nóng” những vấn đề nêu ra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận những hạn chế được chỉ ra và nhấn mạnh, còn nhiều hạn chế nữa mà hàng chục năm sau ngành cũng chưa khắc phục xong vì như lộ trình các nước đã đi qua đều mất một thời gian rất dài để hoàn thiện mô hình BHYT toàn dân.

Nói thêm chuyện cấp cứu về y đức, bà Tiến cũng xác nhận thông tin các đại biểu đưa ra, những biểu hiện hoặc là tham nhũng, hoặc là vô cảm, kém đạo đức. Về những thủ tục hành bệnh nhân, Bộ trưởng Y tế khẳng định, mới đây đã yêu cầu cắt giảm, rút gọn từ 9 bước trong quy trình khám chữa bệnh BHYT xuống tối đa 6 bước. Khoa khám chữa bệnh dịch vụ và bảo hiểm tại các bệnh viện cũng đang được tách riêng để người bệnh, gia đình không nhìn thấy những khoảng cách giữa 2 loại hình…

P.Thảo