1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phó chủ tịch huyện phóng xe máy đi chữa bệnh cho dân nghèo

(Dân trí) - Hằng ngày với chiếc xe máy cũ, anh Mấu Văn Phi vượt bụi đường mịt mù đi khám chữa bệnh cho dân. Ít người nhận ra đó là vị Phó Chủ tịch huyện Khánh Vĩnh, nhưng những nơi anh đi qua, người dân đều chào đón người bác sĩ chuyên chữa bệnh cho người nghèo.

Viên ngọc quý của buôn làng

 

Phó chủ tịch huyện phóng xe máy đi chữa bệnh cho dân nghèo - 1
Hình ảnh thân thuộc thường thấy ở vị Phó Chủ tịch huyện Khánh Vĩnh
 
Bây giờ, khi nói về vị Phó Chủ tịch huyện của mình, người dân Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vẫn coi anh Mấu Văn Phi là một niềm tự hào. Họ lấy tấm gương vượt khó, học giỏi và thành đạt của anh để dạy con cháu mình với hy vọng sau này buôn làng sẽ có thêm nhiều người như anh.

 

Mấu Văn Phi sinh ra trong một gia đình nghèo, có 5 anh em, Phi là con trai đầu. Trong làng, Phi là đứa trẻ chăm học nhất, nhưng vì gia cảnh túng thiếu nên đã có lúc bố mẹ bàn đến chuyện cho Phi nghỉ học.

 

Nghe chuyện, Phi nhất định không chịu. Anh muốn học để thoát nghèo, để thực hiện mơ ước trở thành bác sĩ chữa bệnh cho buôn làng. Vì thế, Phi đã lên rẫy hái ớt xiêm rừng đem đi bán kiếm tiền mua sách vở, bút mực.

 

Kết quả là năm nào Mấu Văn Phi cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở, rồi trung học phổ thông.

 

Năm Phi 17 tuổi, mẹ anh mất sau một cơn bạo bệnh. Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Phi vẫn quyết tâm theo học để sau này giúp đỡ bà con mình. Rồi Phi đỗ vào Đại học Y Tây Nguyên. Năm đó, điểm chuẩn vào trường là 17 nhưng tổng số điểm bài làm ba môn thi của Phi đạt tới 24 điểm. Bà con trong làng biết tin sắp có bác sĩ để “bắt con bệnh” cho dân nên cùng nhau uống rượu chia vui với Phi.
 
Phó chủ tịch huyện phóng xe máy đi chữa bệnh cho dân nghèo - 2
Phó Chủ tịch huyện đến tận nhà chữa bệnh cho dân

 

Hiểu được mong ước của bà con nên 6 năm ròng rã, Mấu Văn Phi đã nỗ lực không ngừng, ngoài giờ đến giảng đường, chàng sinh viên nghèo còn đi làm thuê, cuốc cỏ, xay cà phê hạt, phục vụ bàn ở quán giải khát để kiếm thêm tiền lo cho cuộc sống và quá trình học tập.

 

Năm 1997, 27 tuổi, Phi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, Đại học Y Dược Tây Nguyên. Sau hai năm thử việc ở Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh, năm 1999 anh quyết tâm nâng cao tay nghề và thi vào chuyên khoa 1, ngành tim mạch, Đại học Y Dược Huế.

 

Năm 2001 anh về lại Trung tâm y tế huyện đảm đương chức vụ Phó khoa Nội nhi, đến tháng 8 năm 2005 được đề bạt lên Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh. Cùng năm đó anh được bầu giữ chức Phó Chủ tịch huyện Khánh Vĩnh.

 

Tuy chuyển hẳn sang làm quản lý nhà nước nhưng lòng yêu nghề vẫn cháy bỏng trong anh. Suốt từ năm 2005 đến nay hằng ngày anh vẫn cùng bộ đồ nghề bác sĩ đi hết bản này đến bản kia chữa bệnh cứu người.

 

Vị phó chủ tịch huyện ham chữa bệnh

 

Người chắc nịch, đôi mắt sáng, anh Mấu Văn Phi là một bác sĩ đầy nhiệt huyết và được đồng bào Raglai yêu mến.

 

Nhìn anh Phi trong bộ đồ cũ kỹ, va ly gài trước chiếc xe máy đầy bụi đỏ lao đi trên đường, ít ai biết rằng đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh đang đến từng thôn bản chữa bệnh cho dân nghèo.

 

Cứ hết giờ làm, khoảng 5 giờ chiều hàng ngày là anh lại xách va ly đồ nghề được bọc trong túi ni lông để tránh bụi và mưa, bắt đầu đi khám bệnh. Đi nhiều nơi xa nên phải đến 9-10h đêm anh mới về đến nhà.

 

Anh Phi chia sẻ: “Công việc của một phó chủ tịch huyện có vất vả, thêm đi lại khám bệnh cho người dân lại càng vất vả hơn, nhưng nhiều người dân mình còn thiếu điều kiện, thiếu kiến thức về chăm sóc y tế nên tôi đi chữa bệnh là muốn giúp đỡ cho những người dân nghèo, đồng thời qua việc khám bệnh tôi cũng giữ được nghề y đã được học”.
 
Phó chủ tịch huyện phóng xe máy đi chữa bệnh cho dân nghèo - 3
Tủ thuốc di động của bác sĩ Phi

 

Với nghề y, bác sĩ Phi quan niệm đây là một nghề của lương tri và trách nhiệm. Do đó việc khám chữa bệnh của anh cũng thực hiện hết sức bài bản. Anh phân chia thành từng nhóm bệnh để tiện việc điều trị và mua thuốc.

 

Tiếp đó, anh sắp xếp thành từng nhóm người bệnh ở cùng một địa phương, thôn bản và lên lịch khám chữa bệnh cụ thể, cứ 3 ngày hoặc một tuần thì tập trung họ lại khám chữa bệnh một lần. Và đối với bác sĩ Phi, “đã hứa là phải làm, hứa đi khám cho bà con thì dù có bận mấy cũng phải đi, mưa gió thế nào cũng phải đến”.

 

Trong quá trình khám bệnh, thông thường thì anh phát thuốc trực tiếp mà không lấy tiền, còn những bệnh khó anh khuyên bà con phải đi bệnh viện ngay.

 

Giọng bác sĩ Phi chùng xuống khi kể về một trường hợp cháu bé phải chết oan uổng vì gia đình không nghe lời bác sĩ đưa con đi bệnh viện. “Cô bé bị sốt rét, khi đến khám tôi khuyên gia đình đưa cháu lên bệnh viện để điều trị ngay, nếu không sẽ chết. Nhưng người nhà không chịu, cứ khăng khăng bé bị ma nhập chỉ đi cúng Giàng. Can ngăn mãi không nghe, được mấy hôm thì cô bé mất”.

 

Sau lần đó anh Phi rút kinh nghiệm, thường xuyên đi thăm người dân hơn, tuyên truyền cho bà con hiểu phải phòng chữa bệnh như thế nào, khi có bệnh cần phải khám chữa ngay. Nhờ vậy một cháu bé 12 tháng tuổi ở xã Khánh Thượng bị tiêu chảy nặng, lúc khám thấy người bé xanh xao thoi thóp thở, không chần chờ anh liền ép buộc gia đình đưa bé lên bệnh viện điều trị. Sau 3 ngày truyền nước, truyền dịch cháu bé mới qua khỏi cơn nguy.

 

Bây giờ, hầu như khắp thôn bản ở đây ai cũng biết và có số điện thoại của bác sĩ Phi để phòng khi đau ốm gọi khám bệnh.

 

Cụ Cao Tống năm nay đã 85 tuổi bị viêm dây thần kinh liên sườn, được bác sĩ Phi điều trị gần 2 năm nay, cho biết: “Bác sĩ Phi tốt bụng lắm, thương dân mình lắm. Cũng nhờ Phi mà bây giờ dân mình đau ốm không mời thầy mo thầy cúng nữa, mà chỉ kêu Phi đến thôi. Đến đâu Phi cũng được coi như người nhà rồi”.

 

Anh Phi cho biết: “Cho dù làm bất cứ việc gì mình không bao giờ quên nghề y. Công việc này giúp mình hoàn thành tốt công việc của nhà nước, xã hội. Vì thường xuyên tiếp xúc chữa bệnh cho bà con, lại là người Raglai nên mình thu thập được nhiều thông tin, hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con. Nhờ vậy khi thực hiện chính sách của nhà nước, mình cũng có những quyết định, phương pháp làm việc vừa nhanh và hợp lòng dân”.

 

Vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng được bác sĩ - Phó chủ tịch huyện Phi đặc biệt quan tâm. Anh thường xuyên dặn dò Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh về thái độ phục vụ bệnh nhân phải tận tình. Vì đa số đồng bào Raglai nhận thức còn hạn chế, việc tiếp xúc với xã hội cũng ít, nên khi bệnh nhân vào viện, cán bộ bác sĩ phải hướng dẫn tận tình, chu đáo từ những chuyện nhỏ nhặt nhất là vệ sinh cá nhân đến cách chăm sóc người bệnh…

 

Ở cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện, anh Mấu Văn Phi đang ấp ủ nhiều dự định với mong muốn góp phần nâng cao đời sống cho người dân buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Khánh Vĩnh. Anh cũng không quên trách nhiệm của một bác sĩ đối với đồng bào nơi đây.

 

Nguyễn Thành Chung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm