Phiên chợ độc nhất chỉ họp vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán
(Dân trí) - Chợ Gò thuộc thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước (Bình Định) là phiên chợ chỉ họp 1 phiên duy nhất vào ngày mùng 1 Tết Âm lịch. Chợ Gò tỉnh Bình Định được xếp vào 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam.
Chợ Gò - Trường Úc
Đầu xuân hội chợ hai ngày tết/ Màu sắc chen nhau đủ lớp người/ Người bán, người mua, người xem hội/ Đầy ắp ngày xuân những tiếng cười. Đó là những câu thơ mà ông bà tổ tiên ngợi ca, tự hào về lễ hội, hội chợ Gò quê hương Bình Định, một mảnh đất giàu chất văn hóa.
Cách TP Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 6 km, chợ Gò thuộc thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, nằm bên cầu Trường Úc là phiên chợ độc đáo mang đậm nét văn hóa miền đất võ. Nói là chợ Gò nhưng thật ra chỉ là bãi đất trống rộng, không một gian hàng, túp lều, các ngày trong năm cũng không một nhóm chợ mà chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày mùng 1 Tết Âm lịch.
Theo những bậc cao niên trong vùng, từ thuở ấu thơ, các cụ đã chứng kiến cảnh nhộn nhịp đông vui của Hội chợ Gò ngày tết. Tương truyền, chợ Gò có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Vua Quang Trung ngày ngày, thấy quân lính băn khoăn nỗi xa nhà, cảnh người vợ trẻ ôm con chờ chồng… nhân dịp Tết đến xuân về, nhà Vua cho mở lễ hội giải trí vui xuân để động viên tinh thần quân sĩ.
Nghe tin, nhân dân trong vùng nô nức kéo đến tham dự. Và từ đó, Lễ hội xuân xuân chợ Gò đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương như một nét văn hóa cộng đồng không thể bỏ.
Ngày nay, người dân tỉnh Bình Định nói chung và người dân huyện Tuy Phước nói riêng xem Lễ hội xuân chợ Gò là nơi vui chơi, cầu lộc ngày đầu năm mới. Hơn 225 năm qua, cứ đến Mùng 1 Tết, người dân miền Đất Võ lại tổ chức Hội chợ Gò để vui xuân và cũng là để lưu giữ truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Lầu Vọng cảnh ven sông Hà Thanh nơi neo thuyền của nghĩa quân Tây Sơn.
Đến chợ “mua” lộc, cầu duyên
Kể những câu chuyện về chợ Gò, bà Lê Thị Thức (70 tuổi, thôn Phong Thạnh) bồi hồi đọc 4 câu thơ: Chợ Gò Phong Thạnh - Mỹ Cao/ Gần sông gần núi, biết bao nhiêu tình/ Tình đồng đội, nghĩa đồng bào/ Ai ơi, có biết công lao Bác Hồ. Câu ca dao mà người dân Bình Định không bao giờ quên khi nhắc đến Hội chợ Gò.
Khác với những phiên chợ họp thường ngày, chợ Gò giống như một lễ hội vui xuân. Khi tiếng pháo giao thừa vừa dứt, người dân vùng phụ cận mang đến đây những sản vật địa phương của mình như gánh rau, các loại trái cây, thực phẩm, nhưng nhiều nhất vẫn là cau trầu… Họ đem đến bán để lấy lộc đầu năm. Người mua không phải vì thiếu thức ăn mà muốn “mua” cái lộc đầu năm.
Chợ Gò ví như hội vui xuân nên việc mua bán không mạng nặng kinh doanh. Ở đây không có sự mặc cả về giá, không cò kè bớt một thêm hai. Tất cả là để họ trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà một năm mới an khan thịnh vương. Đặc biệt, khách đến Hội chợ Gò có nhiều đôi trai gái ở tuổi đôi mươi, họ khoác tay nhau cùng mua vài quả cau, lá trầu và chút vôi để cho duyên thắm tình nồng lứa đôi. Nhiều cặp trai gái đã nên vợ thành chồng từ phiên chợ Gò.
Đã 45 năm bán trầu cau ở chợ Gò mỗi dịp Tết, bà Lê Thị Thức cho biết, hơn 40 năm qua, cứ dịp Tết về tôi lại ra vườn chọn những buồng cau, lá trầu đẹp nhất gánh ra chợ Gò bán lấy lộc đầu năm. Trước đây, hàng hóa ở chợ khá đơn giản, người vài buồng câu, xếp trầu, người vài bó rau muống, chùm sung, quả đu đủ… thì nay đủ các mặt hàng nhưng khách chủ yếu mua cau trầu là chính.
“Theo tục lệ, khách hàng mua 12 lá trầu để tượng trưng 12 tháng trong năm, hai trái cau, một ít vôi Trường Úc đem về để lên bàn thờ. Sau ngày mùng 7 tết hạ xuống và chỉ cần nhìn vào từng lá trầu là biết tháng đó, năm đó gia đình mình gặp điều may mắn hay không tốt. Còn muối hạt thể hiện sự mặn mà, chùm trái sung, ý nói lên sự sung túc giàu sang của mọi gia đình làm ăn trong năm mới”, bà Thức chia sẻ.
Dù chỉ họp một ngày duy nhất trong năm nhưng Chợ Gò mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì lẽ đó, chợ Gò - Bình Định đã lọt vào tóp “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt nam” được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xếp hạng.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết, đến nay vẫn chưa có tài liệu chính xác định Lễ hội Chợ Gò có nguồn gốc từ đâu, thời gian nào, nhưng có thể khẳng định đây là Hội chợ xuân lớn nhất tỉnh Bình Định. Hàng trăm năm nay, Hội xuân chợ Gò luôn được duy trì như một nét văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương. Với ý nghĩa đó, từ lâu địa phương đang tiếp tục tìm kiếm, thu thập những chứng cứ lịch sử, đồng thời có đơn gửi lên các cơ quan cấp trên xem xét công nhận Chợ Gò là di sản văn hóa phí vật thể quốc gia.
Doãn Công