Phê duyệt quy hoạch sai, về hưu cũng phải ra tòa!

(Dân trí) - “Cần có quy định hồi tố, đưa ra tòa những người phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng sai dù đã về hưu. Làm sai thì phải vào tù, nếu không ai chịu trách nhiệm cho một thành phố chắp vá, xấu xí” – ĐBQH Bùi Thị An góp ý sửa luật Xây dựng.

Ngày 4/9, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức phiên họp thường trực mở rộng để thẩm tra sơ bộ luật Xây dựng (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.

Trực tiếp “giải trình” các nội dung của dự thảo luật trước cơ quan thẩm tra, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rất lớn, bởi đầu tư có xây dựng hiện chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (đang chiếm gần 30% GDP). Để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này, nhiều quy định đã được sửa đổi theo nguyên tắc dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau sẽ được quản lý theo các phương thức khác nhau.
 
Phê duyệt quy hoạch sai, về hưu cũng phải ra tòa!

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu nhiều điểm bổ sung về chế tài xử lý nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản.

 
Tán thành đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh đến toàn bộ “hoạt động đầu tư xây dựng” thay vì khuôn hẹp trong “hoạt động xây dựng” như luật hiện hành, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhận định luật sửa đổi cần điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng mọi loại nguồn vốn khác nhau và xuyên suốt toàn bộ quá trình thực hiện dự án, công trình. Theo đó, kể từ khâu lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng đều chịu sự chi phối, điều chỉnh của luật.
 
Về việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, tại tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Xây dựng cũng nêu rõ nhiều điểm bổ sung như phần chế tài cần thiết để xử lý tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng hiện nay. Điều 128 tại dự thảo luật quy định, đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước, việc thanh lý hợp đồng phải được hoàn tất trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày các bên tham gia hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc hợp đồng bị chấm dứt. 90 ngày là thời gian được áp dụng với hợp đồng có quy mô lớn.
Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, để tránh hiện tượng sửa đổi, bổ sung thiết kế, dự toán không sát, nâng giá thành, nâng mức đầu tư để trục lợi thì cần xem xét thêm các điều kiện điều chỉnh dự toán xây dựng.

Về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Điều 53 dự thảo luật quy định người quyết định đầu tư có thẩm quyền quyết định thành lập BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực và các BQLDA này được giao làm chủ đầu tư.

Cơ quan thẩm tra nhận xét, quy định như vậy đã tách biệt vai trò chủ đầu tư xây dựng với vai trò chủ sở hữu công trình đồng thời trao nhiều quyền hạn của chủ đầu tư cho BQLDA. “Thực tiễn cho thấy, việc tách biệt các vai trò, việc lạm quyền của BQLDS hoặc khoán trắng cho BQLDA đều có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Do đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa BQLDA với cơ quan, đơn vị là chủ sở hữu, quản lý, vận hành công trình để gắn kết trách nhiệm của BQL với chủ sở hữu sử dụng công trình và bảo đảm cho công trình được chủ sở hữu sử dụng, khai thác đúng mục tiêu, yêu cầu” – báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Ngoài ra, thường trực UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng lưu ý cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của BQLDA, tránh hiện tượng khép kín trong đầu tư, quản lý; khắc phục tình trạng BQL thiếu cán bộ có chuyên môn, thiếu năng lực về quản lý dự án và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đơn vị tư vấn, dễ gây thất thoát, lãng phí.
 
Phê duyệt quy hoạch sai, về hưu cũng phải ra tòa!
Đại biểu Bùi Thị An: "Cần đưa những người phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng sai ra tòa dù đã về hưu".

Bàn về việc nâng quyền đối với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý dự án này, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong cấp phép và quản lý xây dựng, đại biểu Bùi Thị An chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý xây dựng hiện nay. Bà An nêu, cán bộ quản lý xây dựng phường, xã, chỉ một gia đình sửa căn nhà nhỏ trong ngách hẹp cũng tìm đến tận cửa ngay nhưng “cả tòa nhà cao tầng đồ sộ giữa phố xây vượt tầng, vượt phép thì không ai hay”.

Khái quát về những hệ quả để lại cho xã hội như lãng phí của cải, vật chất vì những tòa nhà phải cắt ngọn, chặt tầng, những đường phố xấu xí vì nhà siêu mỏng, siêu méo, bà An đề nghị trao quyền nhưng phải tăng trách nhiệm đối với cán bộ quản lý. “Cần có quy định hồi tố, đưa ra tòa những người phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng sai ra tòa dù người đó đã về hưu. Làm sai thì phải vào tù nếu không ai chịu trách nhiệm cho một thành phố chắp vá, khó chữa” - bà An đề nghị.

Đại biểu Phùng Đức Tiến góp ý làm rõ trách nhiệm của người phê duyệt tổng mức đầu tư, vì trên thực tế, “nhiều khi cứ để mức thấp để thò được một chân vào đã, sau đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến tham nhũng, tiêu cực”.

“Nên tách riêng một chương về thanh tra kiểm tra, thời gian vừa qua yếu kém nhất là kiểm tra và xử lý sai phạm”, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng phát biểu.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án luật theo hướng quản chặt hơn vốn ngân sách, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng.

P.Thảo