1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phát triển xe buýt TPHCM còn nhiều việc phải làm

(Dân trí) - 6 năm chấn chỉnh hoạt động xe buýt (từ 2001), TPHCM đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục để phát triển bền vững. Đó là kết luận của các chuyên gia trong hội thảo bàn về sự phát triển của xe buýt TPHCM vừa qua.

Còn nhiều yếu kém

Tại hội thảo, ông Lê Trung Tính - Phó phòng Quản lý vận tải & Công nghiệp (sở GTCC), thừa nhận: “Mạng lưới tuyến xe buýt còn trùng lắp, năng suất phương tiện chỉ ở mức trung bình, chất lượng phục vụ khách còn chưa tốt…”.

Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TPHCM cũng nhìn nhận khuyết điểm là: công tác xử lý các khiếu nại của các hành khách chưa tốt, còn nhiều hiện tượng xe buýt bỏ khách, chạy ẩu, dàn hàng ngang trên đường, tiếp viên thiếu nhã nhặn…

Về tổ chức, TS Nguyễn Thị Bích Hằng (Đại học Giao thông Vận tải) phân tích: “Nhược điểm lớn nhất của xe buýt TPHCM là mạng lưới các tuyến hiện nay bố trí rất bất hợp lý, tập trung đông tại khu vực trung tâm trong khi các khu vực khác thì thưa thớt”.

Điều này dẫn đến nhiều khu vực người dân không đi xe buýt vì đường ra trạm quá xa; còn ở nhiều khu vực khác, xe buýt cản trở hoạt động của nhau vì mật độ quá cao, góp phần tạo nên tình trạng ùn tắc giao thông.

Có đại biểu thắc mắc về tiền trợ giá cho xe buýt quá cao. Ông Lê Trung Tính cho rằng: “Các TP trên thế giới đều phải bù lỗ trên 50% cho xe buýt, năm 2007, TPHCM chỉ bù lỗ 46,6%. Mỗi năm TPHCM thiệt hại 14.000 tỷ đồng do kẹt xe thì đầu tư 500-600 tỷ đồng/năm cho xe buýt vẫn tốt hơn”.

Để phát triển bền vững

Hầu hết các chuyên gia đều cho vấn đề bố trí lại các tuyến xe buýt là vấn đề mấu chốt cần làm ngay. Theo TS Bích Hằng thì chỉ nên để hai tuyến xe buýt trục Bắc - Nam, Tây Bắc - Đông Nam là đi qua khu trung tâm.

Các tuyến xe buýt nhánh sẽ nối kết các khu vực với hai tuyến trục nhằm giảm mật độ tại khu trung tâm và phân bố hệ thống xe buýt đều khắp tại khu ngoại thành.

TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TPHCM) và TS Khuất Việt Hùng (Đại học GTVT Hà Nội) đều thống nhất quan điểm này và muốn xây dựng thêm hệ thống xe buýt nhỏ nội khu, đáp ứng nhu cầu đi lại đến từng đường nhỏ, khu phố để tạo sự tiện lợi cho bà con. Đồng thời phải có biện pháp giảm xe cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Về vấn đề trợ giá, TS Bích Hằng cho rằng: “Cần đẩy nhanh hoạt động đấu thầu để tăng năm suất khai thác tuyến, giảm chi phí đầu tư”. Bà Hằng nêu dẫn chứng: tuyến xe buýt số 7, sau 3 năm thí điểm đấu thầu đã giảm được 7 tỷ chi phí.

Nhiều đại biểu đưa ra giải pháp lấy tiền từ các khoản thu khác để trợ giá xe buýt. Các khoản thu đó là: phí đăng ký xe máy, bảo hiểm, lệ phí bảo vệ môi trường, cầu đường, tăng thuế các bãi giữ xe… Như vậy, TP vừa có nguồn thu bù giá cho xe buýt, vừa góp phần hạn chế xe máy.

TS Khuất Việt Hùng thì cho rằng: “Nên nhìn xa hơn và hạn chế cả xe con vào nội thành. Vì sau kẹt xe hai bánh là đến kẹt xe do ô tô con”. Ông cũng đề xuất nên xây dựng làn xe riêng dành cho xe buýt.

Các chuyên gia khác thì đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động xe buýt. TS Lê Văn Trung (Đại học Bách khoa) cho rằng: “Nên bố trí trên mỗi xe buýt một hộp đen để hạn chế tình trạng lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ trạm, không mở máy lạnh phục vụ khách…”. Về chi phí, ông cho là nó rẻ hơn việc TP phải trả lương cho 2 nhân viên giám sát mỗi tuyến xe buýt.

Giám đốc Sở GTCC đã chỉ đạo các phòng ban tiếp thu các ý kiến trên để đề xuất UBND TP thực hiện.

Tùng Nguyên