Phát triển thủy điện ồ ạt: Lợi ít, hại nhiều
(Dân trí) - Từ năm 1995 đến nay, tốc độ phát triển thủy điện ở nước ta rất nhanh chóng. Một mặt thủy điện góp phần cung cấp điện năng cho đất nước; mặt khác thủy điện cũng kéo theo nhiều hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến đời sau.
Ngày 7/5, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Vietnam Rivers Network - VRN) phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Phát triển thủy điện bền vững: các bài học và kinh nghiệm” nhằm mổ xẻ các vấn đề của thủy điện hiện nay, qua đó rút ra những bài học khắc phục hậu quả của việc phát triển ồ ạt thủy điện hiện nay.
Báo cáo tại hội thảo, TS. Đào Trọng Hưng - Thành viên VRN cho rằng, tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã được khai thác hết. Theo quy hoạch sơ đồ 7 đã nâng tổng công suất thủy điện từ 9.200MW (năm 2009) lên 17.400MW vào năm 2020, chiếm 23,1% trên tổng số 75.000MW các nguồn điện năng quốc gia.
TS. Đào Trọng Hưng cũng cho rằng lợi ích của thủy điện là năng lượng sạch, tái tạo, nguồn điện quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phòng chống lũ cho vùng hạ lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng núi, vùng dân tộc thiểu số…
Không những mất rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… thủy điện còn làm mất một diện tích đất canh tác khá lớn gồm đất trồng lúa nước, đất nương rẫy, cây công nghiệp, vườn nhà, đất màu ven sông…
Ngoài ra, khi xây dựng thủy điện, hệ sinh thái trên dòng sông sẽ thay đổi làm mất đi các loài rau thủy sinh và loài cá quý hiếm, làm ô nhiễm lòng hồ, làm chết các dòng sông…
Thủy điện cũng làm nảy sinh các vấn đề xã hội như người dân ở khu vực bị ảnh hưởng không có kế sinh nhai sẽ vào rừng làm lâm tặc bất đắc dĩ, tệ nạn cờ bạc rượu chè khi được nhận tiền đền bù đất đai hoa màu mà không biết làm ăn, bản sắc văn hóa bản địa bị mai một…
Một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển ồ ạt thủy điện là tình trạng tái định cư (TĐC) đối với những người dân buộc phải di dời nhường đất lại cho công trình. GS.TS. Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam - cho rằng hầu như các khu TĐC của các thủy điện trên cả nước đến nay công tác TĐC đều có vấn đề. Nhiều dự án thủy điện đã đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng công tác TĐC cho người dân vẫn chưa giải quyết xong.
Dẫn chứng vấn đề này, ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam) - địa phương có đến 7 dự án thủy điện nói: “Chúng ta bồi thường tiền cho người dân tự xây nhà thì sợ họ dùng vào việc khác, còn các BQL dự án thủy điện xây nhà thì bà con đồng bào lại không ở được bởi nhà xây không phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa của họ”.
Điển hình là dự án thủy điện A Vương với khu TĐC A Lua (xã Dang). Đến nay khu TĐC này người dân cũng không ở được nên tỉnh Quảng Nam đang tìm cách di dời bà con đến địa điểm khác. Còn đối với các hộ dân ở thủy điện Sông Tranh 2 đến nay vẫn còn nhiều hộ chưa chịu nhận tiền đền bù để di dời hoặc di dời đến nơi không có điều kiện sản xuất khiến cuộc sống của họ càng thêm khó khăn.
Còn rất nhiều vấn đề đối với các thủy điện được các đại biểu mổ xẻ để giải quyết “hậu quả”. Một điều mà ai cũng thấy là thủy điện một mặt đem lại lợi ích cho quốc gia nhưng mặt khác lại lấy đi nhiều thứ đối với người dân ở nơi có thủy điện. Do đó, nhiều đại biểu là các nhà khoa học đầu ngành cũng đang tìm cách đưa lợi ích của thủy điện cân bằng với sự thiệt hại mà địa phương phải gánh chịu. Tuy nhiên, giải quyết mâu thuẫn này không phải nhiệm vụ dễ dàng trong tình trạng đã rồi.
Công Bính