1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam:

Phát triển nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp

Phát triển báo chí cách mạng và chuyên nghiệp là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài; bởi lẽ, báo chí là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, có sức lan tỏa nhanh, có tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới mọi phương diện của đời sống xã hội.

Đó là khẳng định của ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trong báo cáo đề dẫn của Ban tổ chức mở màn cho Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp", do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thuộc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) diễn ra hôm qua (19/6).

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các vị đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội, các nhà báo lão thành, nhà khoa học, nhà báo đang công tác tại các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn Thủ đô.
Phát triển nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp  - 1
Các nhà báo cần giữ vững bản lĩnh cách mạng và nâng cao tính chuyên nghiệp trong thời đại hội nhập này. (Ảnh: Internet)

Theo ông Trung, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khi sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang đứng trước nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

"Vì vậy, phát triển báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài; bởi lẽ, báo chí là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, có sức lan tỏa nhanh, có tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới mọi phương diện của đời sống xã hội," ông Trung nói.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 85 năm phát triển và trưởng thành; trong suốt thời gian đó, báo chí cách mạng Việt Nam luôn giữ vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, đóng góp to lớn vào thành công chung của sự nghiệp cách mạng của đất nước.

85 năm không ngừng phấn đấu, luôn theo sát sự vận động nhanh chóng và phức tạp của thực tiễn, nền báo chí cách mạng Việt Nam từ chỗ là một vũ khí đấu tranh bí mật của Đảng hiện đã trở thành "Tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị-xã hội và là diễn đàn của nhân dân."

Báo chí cách mạng Việt Nam ngày nay đã trưởng thành vượt bậc về mọi phương diện: tăng loại hình, số lượng cơ quan báo chí, số đầu báo, tạp chí, chương trình, chất lượng nội dung, hình thức in ấn, phạm vi phủ sóng... Cả nước hiện có trên 17.000 người được cấp thẻ nhà báo.

Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn, các đại biểu đã tập trung làm sáng tỏ định hướng và giải pháp nhằm vừa giữ vững bản chất cách mạng vừa nâng cao tính chuyên nghiệp cho báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Tham luận của các nhà báo lão thành Phan Quang với nội dung "Định hướng và sáng tạo," nhà báo Hữu Thọ với vấn đề "Báo chí đổi mới đồng hành cùng đất nước đổi mới" đã đặt ra một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu trao đổi.

Đó là khái niệm hiện đại và chuyên nghiệp trong báo chí Việt Nam hiện nay; có hay không sự khác nhau về quan niệm hiện đại và chuyên nghiệp giữa báo chí cách mạng Việt Nam và báo chí thế giới nói chung; sự cần thiết phải có định hướng lãnh đạo báo chí; kiên trì đổi mới trong báo chí; sức chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam; trách nhiệm nhà báo chiến sĩ và sự gắn kết giữa nhà báo chiến sĩ với nhà báo nhân dân...

Đặc biệt, kỷ niệm 85 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo cần nghĩ và biết ơn sâu sắc về Bác Hồ, những thế hệ đi trước, những nhà báo liệt sĩ đã góp phần làm nên truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay; đây là truyền thống, là sức mạng để báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển.

Gần 20 báo cáo tham luận của các nhà khoa học về báo chí và truyền thông tại Hội thảo lần này sẽ được in thành Kỷ yếu, một tài liệu bổ ích cho những người làm báo hôm nay và sau này.

Theo Công Hải
TTXVN/Vietnam+