1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phát tài nghề “ôsin cây cảnh”

(Dân trí) - Với cây kéo, cây kìm, sự khéo léo, sáng tạo và kinh nghiệm, những người chăm sóc cây cảnh, thợ cây cảnh ở Huế có thể ăn nên làm ra, phát tài mà vẫn được sống một cuộc sống thanh nhàn, gần gũi với thiên nhiên.

Phát tài nghề “ôsin cây cảnh” - 1
 
“Ôsin” phát tài

 

Cứ vào dịp trước và sau tết, những thợ “ôsin cây cảnh” lại tất bật với công việc chăm sóc, tạo dáng cho cây cảnh. Dưới bàn tay khéo léo của họ, những cây cảnh trở nên sống động với đủ mọi thế, dáng như “phượng bay rồng múa”, “long ly quy phụng”…

 

Anh Lê Hùng, chủ một vườn hoa cây cảnh với gần 500 gốc ở thành phố Huế, gần 15 năm nay gắn bó với nghề chơi cây cảnh đủ loại, cho biết: với anh, làm “ôsin cho cây cảnh” giờ không chỉ là một nghề kiếm tiền mà đã trở thành niềm đam mê, là công việc anh muốn được làm mỗi ngày.

 

Công việc của họ từ đơn giản là chăm cây, bón phân, tỉa cành, tưới nước đến phức tạp như tạo dáng, ghép cành, tạo thế… Anh Hùng thổ lộ: “Phải có cái tâm trong nghề, phải xem cây như những đứa con non nớt của mình cần được chăm bẵm, đùm bọc, quan tâm săn sóc thì mới mong trở thành “ôsin cho cây kiểng” được”.

 

Anh cho biết, chỉ tính riêng vường cảnh nhà anh nếu bán ra cũng thu được dăm bảy tỷ đồng. Nếu nhận chăm sóc cây cảnh cho khách tiền công cả năm dao động từ 5-10 triệu đồng/gốc cảnh. Một người thợ như anh Hùng, nếu không bận bịu chăm sóc cây vườn mình, có thể nhận chăm hàng chục gốc một lúc.

 

Nhiều gia đình ở Huế, nghề “ôsin cho cây cảnh” đã trở thành nghề cha truyền con nối. Ông Đinh Mậu, một chủ vườn Mai, cây kiểng hơn 30 năm gắn bó với nghề tâm sự: “Cả gia đình tui từ con tới cháu ai cũng biết chăm cây kiểng hết, cái nghiệp nó gắn với nghề rồi, những kỹ năng, kỹ xảo và kinh nghiệm trong nghề ôsin tui cũng đã truyền cho tụi nhỏ hết rồi, chỉ mong nó giữ lấy cái nghề mà mưu sinh”.     

 

“Xem kiểng như con”     

 

“Ôsin cây cảnh” đồng nghĩa với việc ăn uống, ngủ nghỉ theo “giờ” của cây cảnh. Cây mà đổ bệnh thì ôsin cũng lao đao bỏ ăn bỏ ngủ để chăm bẵm, nâng niu, chữa trị - chẳng khác gì người mẹ chăm con ốm.

 

Từ nhỏ tới lớn gắn bón với cây cảnh, từ khi cây mới đâm chồi nẩy lộc đến lúc có thế rồi xuất bán cho khách, nhiều người thợ đâm “nghiện” cây cảnh lúc nào không biết - Đó là tâm sự của cô “ôsin” Quỳnh Hương (26 tuổi) mới chập chững vào nghề được 4 năm nay.

 
Phát tài nghề “ôsin cây cảnh” - 2
 

Không ít người khi nhìn những “đứa con” mà mình đã bỏ công chăm bẵm, nâng niu được bán cho khách mà không cầm được nước mắt. “Mỗi cây kiểng mình chăm sóc ít nhiều cũng gắn bó với mình nên lúc lên xe bán, trong lòng tôi vừa vui lại vừa buồn. Vui vì bán được có tiền, buồn vì phải xa một thứ gì đó mà bấy lâu nay mình đã gắn bó với nó”, anh Thanh tâm sự.

 

Những “ôsin” có tay nghề cao luôn được các gia chủ mời tới chăm sóc vườn cảnh trong nhà với tiền công hậu hĩnh. Bởi cây cảnh khi có các triệu chứng sâu bệnh, vàng lá, thối rễ, mục thân… thì ngoài việc bón thuốc nội, thuốc ngoại đặc trị còn rất cần đến bàn tay vàng của các “ôsin” chăm nom.

 

Thứ những “ôsin cây cảnh” sợ nhất là sự “đồng bóng” của thời tiết, nóng lạnh thất thường. Dù họ có bỏ công chăm cây cảnh mà thời tiết không ủng hộ thì mọi công sức đều coi như bỏ. Ngay như đợt Tết Kỷ Sửu vừa qua, vườn cảnh với gần 1.000 gốc mai của gia đình ông Mậu do thời tiết lạnh kéo dài mà nằm chỏng chơ, không ra hoa, trổ lộc; gây thất thu cho gia đình ông.

 

Như ông Mậu không vì thế mà buông xuôi. Ông tâm sự: “Cả đời tui có được như bây giờ cũng nhờ làm ôsin cho cây kiểng, làm sao tui bỏ nó được. Làm ôsin cho kiểng giúp tôi lánh xa được những thói đời ganh đua, tị nạnh trong cuộc sống, yêu thiên nhiên, hòa đồng với môi trường và mọi người xung quanh hơn”.

 

Phan Bá Mạnh