1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phạt nặng hành vi "hôi" của khi xảy ra tai nạn giao thông

(Dân trí) - Những hành vi lợi dụng tai nạn giao thông để "hôi" của, trộm cắp, xâm phạm tài sản, sức khỏe người bị tai nạn hoặc người gây ra tai nạn, sẽ bị xử phạt nặng.

Lợi dụng tai nạn làm việc xấu: phạt 5 – 7 triệu đồng

Ngày 12/8/2012, một xe tải chở hơn 20 tấn thức ăn hỗn hợp dành cho vịt khi di chuyển trên quốc lộ 1A đã bị lật nhào xuống ruộng tại địa bàn tỉnh Bình Định. Sau khi tai nạn xảy ra, nhiều người dân địa phương đã xông vào "hôi" của trên xe.

Phạt nặng hành vi hôi của khi xảy ra tai nạn giao thông
Những hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng người bị nạn, người gây ra tai nạn giao thông sẽ bị phạt nặng (ảnh: Doãn Công)

Đêm 7/7/2012, anh Đoàn Thanh Bền bị tai nạn giao thông trên quốc lộ 13 (trên địa bàn tỉnh Bình Dương) dẫn đến bất tỉnh. Trong lúc người đi đường đưa anh Bền đi bệnh viện thì 2 thanh niên đến tự xưng là người nhà nạn nhân để cất giữ và chiếm đoạt tiền bạc, giấy tờ và điện thoại của anh Bền.

Trước đó, vào ngày 23/6/2011, anh Nguyễn Thanh Phong cũng bị tai nạn, tự té ngã bất tỉnh trên quốc lộ 1A (đoạn qua quận Bình Tân, TPHCM) vì điều khiển xe khi say rượu. Lợi dụng khi người đi đường đưa nạn nhân đi cấp cứu, 4 thanh niên cũng đến xưng là người nhà nạn nhân rồi dắt xe của anh Phong đi mất.

Những hành động trên gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây nhưng chưa được xử lý rốt ráo. Trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra lấy ý kiến có bổ sung thêm mức phạt khá nặng đối với các hành vi lợi dụng tai nạn để tư lợi như trên.

Cụ thể, tại điểm C khoản 5 điều 11 của dự thảo Nghị định này quy định phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn.

Mức phạt 5 – 7 triệu đồng cũng được bổ sung, áp dụng đối với các cá nhân lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.

Vừa lái ô tô vừa gọi điện thoại: phạt 600 – 800 ngàn đồng

Dự thảo Nghị định lần này vẫn giữ nguyên mức phạt 60 – 80 ngàn đồng đối với hành vi vừa chạy xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) vừa gọi điện thoại di động như Nghị định số 71/2012/NĐ-CP.

Dự thảo Nghị định mới này bổ sung thêm quy định phạt người vừa điểu khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vừa gọi điện thoại di động. Cùng hành vi vừa gọi điện thoại vừa lái xe, mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô cao gấp 10 lần người điều khiển xe mô tô, cụ thể là phạt tiền từ 600 – 800 ngàn đồng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là rất khó bắt quả tang người đang điều khiển ô tô gọi điện thoại.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phục vụ của xe khách, dự thảo Nghị định này bổ sung rất nhiều quy định xử phạt các hành vi phục vụ kém chất lượng của các xe khách. Cụ thể, phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với cá nhân, 4 – 6 triệu đồng đối với tổ vi phạm một trong các hành vi sau đây: Không tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe, nhân viên phục vụ; Không niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải trên xe theo quy định; Không đánh số thứ tự ghế ngồi trên xe ô tô chở hành khách theo quy định…

Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 – 10 triệu đồng đối với các tổ chức vi phạm một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về giá cước, giá hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; Bến xe không xác nhận đầy đủ các thông tin trong sổ nhật trình theo quy định; Xe không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (nếu có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động…

Dự thảo này đang được Bộ GTVT lấy ý kiến đóng góp (thông qua Vụ ATGT). Địa chỉ nhận ý kiến đóng góp: 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Email: tunght@mt.gov.vn. Dự kiến dự thảo sẽ sớm trình Chính phủ thông qua để kịp ban hành và thực hiện từ ngày 1/7/2013.

Tùng Nguyên