1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Phát hiện thành cổ dưới lòng đất

(Dân trí) - Một đoạn thành cổ nằm dưới lòng đất ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) vừa được các nhà khảo cổ tiến hành khai quật để nghiên cứu về thành cổ Trà Kiệu và vương quốc Chămpa xưa.

Ngày 9/3, trao đổi với PV Dân trí, thạc sĩ Đặng Ngọc Kính (Viện khoa học vùng Nam bộ thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, ngày 10/3 sẽ kết thúc khai quật và sẽ có buổi báo cáo sơ bộ với Sở VH-TT-DL Quảng Nam về đoạn thành cổ này.
 
Phát hiện thành cổ dưới lòng đất
Thành cổ được xây bằng gạch vừa được phát lộ dưới lòng đất tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam

Ông Kính cho biết, ngày 21/2, đoàn khảo cổ thuộc Viện khoa học vùng Nam bộ do ông chủ trì đã tiến hành khai quật một khu vực khoảng 50m2 tại khu vườn nhà ông Nguyễn Quang Thiên tại làng Viên Thành (thôn Trung Đông, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).

Qua khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện một đoạn thành cổ được xây bằng gạch có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV. Đoạn thành được xây 2 đoạn song song, mỗi đoạn rộng khoảng 1,5m, cách nhau hơn 2m, chính giữa 2 đoạn tường này người ta nện đất sét.
 
Phát hiện thành cổ dưới lòng đất
Một đoạn thành cổ vừa được phát hiện với bờ thành được xây bằng gạch chạy song song với nhau, ở giữa là đất sét và hai bên bờ thành cũng được gia cố bằng đất sét.

“Hiện chiều dài của đoạn thành chưa xác định vì chúng tôi mới khai quật sơ bộ. Sau khi báo cáo với Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, chúng tôi sẽ xin ý kiến và tiếp tục khai quật”, ông Kính nói.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều mảnh ngói và gạch vỡ vụn, riêng tường thành vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt trong quá trình tìm kiếm tại các hố khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện 1 Kendi (bình đựng nước có vòi dùng để hành lễ) đã bị vỡ. Các mảnh ngói vỡ và gạch được các nhà khoa học lưu giữ để nghiên cứu. 

Phát hiện thành cổ dưới lòng đất
Một đoạn thành còn sót lại được xây bằng gạch nổi trên mặt đất trong khu vườn nhà ông Nguyễn Quang Thiên
 
Theo nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ học cùng những tài liệu lịch sử ghi lại, đây là thành cổ của người Chăm xưa. So với các thành cổ được khai quật trước đó, các nhà khoa học đưa ra nhận định đây là khu thành cổ có cấu trúc xây bằng gạch rõ ràng với 2 lớp gạch 2 bên, ở giữa được nện bằng đất sét rất kiên cố. Tuy trải qua hàng ngàn năm nhưng đoạn thành hiện vẫn còn tốt.
 
Gạch dùng để xây thành cổ
Gạch dùng để xây thành cổ

Theo các bậc cao niên đang sống tại làng Trung Đông cho biết, đây là khu thành cổ của người Chămpa xây dựng rất lâu bao bọc quanh kinh đô cổ Sinhapura của Vương quốc Chămpa xưa.

Thạc sĩ Đăng Ngọc Kính cho biết, đoạn thành này đã được các nhà khảo cổ người Pháp phát hiện hồi đầu Thế kỷ XX. Đến đầu những năm 1990 của Thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng đã khai quật một đoạn thành phía Nam.
 
Những mảnh ngói được phát hiện dưới hố khai quật
Những mảnh ngói được phát hiện dưới hố khai quật

“Đoạn thành này dài bao nhiêu hiện chưa xác định được vì chúng tôi chỉ mới khai quật ban đầu. Tuy nhiên, đây là một khảo cổ học quý giá bổ sung vào nguồn tư liệu về thành cổ Trà Kiệu, về vương quốc Chămpa ở khu vực này”, ông Kính cho biết.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm