1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Phát hiện hơn 300 đồng tiền cổ dưới lòng sông Lam

(Dân trí) - Giữa tháng 11/2010, trong lúc cào Hến trên sông Lam đoạn thuộc địa phận Nam Đàn và Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), một số ngư dân ở đây đã tình cờ phát hiện một túi tiền cổ dưới lòng sông.

Phát hiện hơn 300 đồng tiền cổ dưới lòng sông Lam - 1
Ông Đào Tam Tỉnh (bên phả) đang xác định niên hiệu của các đồng tiền cổ
 
Số tiền cổ này hiện đang được ông Đào Tam Tỉnh - Giám đốc thư viện tỉnh Nghệ An - lưu giữ.

Sau một thời gian nghiên cứu, ông Tỉnh cho biết: Những đồng tiền cổ này rất phong phú về niên đại. Mặc dù trải qua thời gian cùng sự bào mòn hủy hoại của ngoại cảnh nhưng hầu hết đều nguyên vẹn. Dựa vào các chữ Hán khắc trên bề mặt tiền, ông Đào Tam Tỉnh đã phân loại trong số 311 đồng vớt được có 125 đồng mang niên hiệu các triều đại Trung Quốc và 186 đồng mang niên hiệu các triều đại Việt Nam.

Trên mặt các đồng tiền thể hiện rõ niên hiệu các triều đại như Hán, Đường, Tống, Minh và Thanh. Đồng cổ nhất là loại tiền Ngũ Thù được đúc từ thời Hán (niên đại khoảng 2.000 năm), tiếp đến là loại tiền Đường Quốc thông bảo và Khai Nguyên thông bảo đời Đường (khoảng 1.400 năm).

Hầu hết những đồng tiền của Trung Quốc này đều nguyên vẹn, trong đó phải kể đến những đồng tiền Đường Quốc thông bảo, những chữ Hán khắc trên bề mặt còn rất rõ. Hay 2 đồng tiền đúc thời Càn Long, mặt trước đắp hình đôi rồng chầu rất tinh vi và mặt sau khắc 4 chữ “nhất bản vạn lợi” (một vốn vạn lời).
 
Phát hiện hơn 300 đồng tiền cổ dưới lòng sông Lam - 2
Những đồng tiền cổ mà người dân phát hiện được

Lý giải vì sao tiền Trung Quốc lại có ở Việt Nam, ông Đào Tam Tỉnh cho biết ngày xưa tiền tệ được dùng chung cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, ở Việt Nam vẫn có thể dùng tiền Trung Quốc và ngược lại. Đó là vì sao các nhà khảo cổ tại Trung Quốc đào được rất nhiều tiền Việt Nam và vì sao tiền chúa Nguyễn lại có ở Nghệ An (thời Trịnh - Nguyễn phân tranh thuộc đàng Ngoài). Ông Tỉnh cho biết có thể đây là tiền lúc chúa Nguyễn đánh ra Bắc Hà đem ra sau khi chiếm được vùng đất ở tả ngạn sông Lam.

Quang Thái - Tử Quang - Nguyễn Phê