Khánh Hòa:
Phát hiện hàng ngàn cổ vật hơn 2.000 năm tuổi
(Dân trí) - Mới đây, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức hội thảo khoa học, công bố kết quả khai quật di chỉ làng cổ Vĩnh Yên (thuộc thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) niên đại cách đây 2.000 - 2.500 năm.
Đồ trang sức
Di chỉ Vĩnh Yên được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà phát hiện, khảo sát và khai quật lần thứ nhất vào năm 2006. Trong lần khai quật tiếp theo từ tháng 7 đến 12/2009, các nhà khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa và Viện Khảo cổ học đã tập trung vào khoảng 2.000m2 trong tổng thể 10.000m2, với 34 hố khai quật (mỗi hố rộng 50m2) đã phát hiện hàng ngàn hiện vật.
Trong đó, ngoài 2.000 hiện vật đồ đá bao gồm công cụ lao động: bàn mài, hòn ghè, hòn đập, hòn kê, rìu đá... còn có 24 hiện vật kim loại như lục lạc đồng, đinh sắt, tiền đồng…, 190 hiện vật gốm như bát bồng, bình, nồi, vò… và trên 10 tấn gốm các loại. Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số hiện vật có giá trị cho việc nghiên cứu như hình linga được làm bằng đá thạch anh, một số hiện vật, khuôn đúc đồ đồng, sắt; một số đồ trang sức bằng đá...
Bộ rìu đá
Đáng chú ý, tại khu vực di chỉ, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện và khai quật 6 mộ nồi vò và 17 huyệt đất thể hiện đời sống tâm linh của cư dân cổ. Qua nghiên cứu ban đầu, các nhà khảo cổ xác định cư dân cổ Vĩnh Yên đã sinh sống cách đây từ 2.000 - 2.500 năm, thuộc thời kỳ hậu kỳ đá mới, sơ kỳ đồng thau... vì ở đây đã xuất hiện nghề thủ công chế tác đồ đá, đúc kim loại và làm đồ gốm.
Với việc di chỉ Vĩnh Yên có sưu tập di tích, di vật khá tương đồng với những di tích, di vật đã được khai quật nghiên cứu ở các di chỉ thuộc văn hoá Xóm Cồn (Xóm Cồn, Văn Tứ Đông, Bình Ba, Bích Đầm…) đồng thời cũng xuất hiện những yếu tố văn hoá đã thấy ở Hòa Diêm, các nhà nghiên cứu nhận định rất có thể Vĩnh Yên chính là cầu nối của tuyến phát triển từ văn hóa Xóm Cồn đến Hòa Diêm. Từ vật khảo cổ tìm được ở Vĩnh Yên đã cho thấy người cổ Vĩnh Yên không chỉ sống khép kín ở vùng bán đảo cực Đông của Tổ quốc mà đã có mối giao lưu văn hoá, giao lưu kỹ thuật với các văn hoá vùng hạ lưu sông Mê Kông, sông Đồng Nai, với các văn hóa vùng Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định.
Những hiện vật bằng gốm
Hiện tại các nhà khảo cổ tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến của các nhà khoa học để có báo cáo hoàn chỉnh về di chỉ Vĩnh Yên trong thời gian gần nhất.
Trịnh Anh