1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phát hiện gần 400 mẫu chứng nhận xuất xứ hàng hoá giả

(Dân trí) - Kết thúc việc thanh tra ngành Hải quan, Thanh tra Chính phủ cho biết, gần 400 chứng nhận xuất xứ hàng hoá gửi đi giám định đều cho kết quả là giả. Thanh tra đã kiến nghị chuyển cho CQĐT (Bộ Công an) vào cuộc.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản trong buổi họp báo chiều 28/5 xác nhận, kết thúc cuộc thanh tra, đã phát hiện ở 3 đơn vị (Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hải quan TPHCM) có một số sai phạm.

Theo đó, ngành hải quan “mắc” ở nhiều vấn đề như: nợ thuế quá hạn, một số văn bản hướng dẫn áp mã thuế, phân loại chưa đúng quy định…

Trước câu hỏi về việc, kết luận thanh tra tại Tổng cục Hải quan, số nợ quá hạn hơn 4.000 tỷ đồng có được coi là sai phạm, Phó Vụ trưởng vụ 2 Đỗ Văn Khánh cho biết, số tiền “thất thu” đó không được coi là sai phạm.

Ông Khánh phân tích, con số nợ này có thể còn lớn hơn nữa nhưng không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của hải quan, nếu người có nghĩa vụ chây ỳ không chịu nộp. 4.000 tỷ đồng này cũng chủ yếu là thuế tạm thu.

Về vấn đề có ít nhất có 1.000 tỷ đồng trong số 1.700 tỷ sai phạm là do áp thuế hàng hoá không đúng, ông Khánh cũng “thanh minh” giúp hải quan vì công việc quá phức tạp. Đến nay, thanh tra chưa phát hiện có sự thông đồng của cán bộ hải quan, gây thất thu thuế cũng như biểu hiện của việc tư lợi.

Về vấn đề trách nhiệm cá nhân của Cục trưởng Cục hải quan Hà Nội khi sai phạm diễn ra tại đây được coi là rất nghiêm trọng, Phó tổng thanh tra Nguyễn Văn Sản cho biết đã kiến nghị kiểm điểm. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật cụ thể thì phải do UB kỷ luật họp quyết định sau khi có ý kiến chính thức của Thủ tướng.

Ông Sản cũng cho biết, gần 400 mẫu chứng nhận xuất xứ hàng hoá đã được thanh tra gửi đi giám định. Kết quả cho thấy 100% các mẫu này đều là giả. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chuyển cho CQĐT vào cuộc làm rõ.

Với số tiền được cho là bỏ ngoài số sách ở Tổng cục hải quan, ông Sản khẳng định không có mà đó là tài khoản tiền gửi (hơn 600 tỷ đồng) mà ngành chưa nộp vào ngân sách nhà nước.

Thanh tra vẫn kết luận việc “dư tiền” này dù chưa sử dụng cũng là sai phạm vì theo quy định, tất cả các nguồn thu của ngành đều phải nộp vào ngân sách.

Tuy nhiên, thanh tra cũng nhìn nhận là chưa có hậu quả xảy ra, ngành hải quan đang chờ hướng dẫn của cấp trên để nộp lại.

P.Thảo