1. Dòng sự kiện:
  2. Sập cầu Phong Châu
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Phát hiện chiến thuyền cổ ở sông Đuống

Cuối tháng 4/2012, một nhóm khảo cổ học đã tới huyện Thuận Thành, Bắc Ninh để chiêm ngưỡng và tìm hiểu một chiếc thuyền cổ tìm thấy dưới đáy sông Đuống.

Từ cuối tháng 1/2012, những người hút cát ở gần thôn Á Lữ, xã Đại Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh đã mò được hiện vật rất đặc biệt, là hai con thuyền độc mộc lớn úp và buộc với nhau bởi những sợi dây tết bằng lá dừa, qua những hàng lỗ dọc mép thuyền.

Khi phát hiện, các thợ lặn đã cắt dây kết nối và lôi lên được con thuyền úp phía trên nhưng chiếc thuyền thứ hai nằm dướí đáy khi kéo lên bị vỡ ra thành nhiều mảnh nên vẫn ở dưới đáy sông.

Khi hay tin về chiếc thuyền cổ này, thầy giáo Lê Thành Nghị, người say mê sưu tầm cổ vật cùng với nghệ nhân gốm Luy Lâu nổi tiếng - Nguyễn Đăng Vông đã bỏ tiền ra mua và tìm cách kéo chiếc thuyền về bến Hồ, cách địa điểm phát hiện 5 km để đưa về bảo quản tại kho cổ vật nhà ông Nghị.

Được tin, nhà sưu tầm ảnh cổ, kiến trúc sư Đoàn Bắc cùng với các nhà khảo cổ đã tiến hành quay phim và chụp ảnh chi tiết chiếc thuyền.

Trao đổi với Đất Việt, ông Đoàn Bắc cho biết: “Chiếc thuyền cổ này có nhiều khả năng là thuyền chiến với chiều dài khoảng 10m, có chỗ đủ cho 10 người chèo và có niên đại đến 1.000 năm. Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định ban đầu, muốn biết chính xác cần phải chờ kết quả đo đồng vị phóng xạ cacbon”.

Thuyền chiến của người Việt cổ?

Tiến sĩ khảo cổ Vũ Thế Long, Giám đốc nhân chủng học và môi trường, Viện Khảo cổ học Việt Nam, một người quan tâm đếm lịch sử sông nước và những con thuyền cổ, cho biết: “Là người đã có dịp tìm hiểu nhiều con thuyền cổ, mỏ neo cổ hiện lưu giữ trong các Bảo tàng hay trong các sưu tập cá nhân rải rác khắp ba miền Nam Bắc, tôi thực sự ngỡ ngàng trước di vật độc đáo này".

Tiến sĩ Long cho biết thêm: "Đó là một con thuyền độc mộc được đẽo một cách công phu và hoàn chỉnh, được bảo tồn khá nguyên vẹn với một kiểu dáng thật hoàn hảo với một kích thước “khủng” mà tôi chưa từng gặp từ xưa đến nay. Thoáng trông dáng con thuyền, tôi đã liên tưởng ngay đến hình những con thuyền độc mộc với nhiều tay chèo được khắc họa trến trống đồng Đông Sơn từ thời dựng nước”.

Tiến sĩ Long phân tích thêm: Con thuyền có chiều dài 9 m70, chiều ngang chỗ phình ra rộng nhất ở gần giữa con thuyền là 0,95 m. Từ một cây gỗ lớn, người ta đã dùng rìu mà vết đẽo còn để lại trên thân và lòng thuyền còn hiện rõ, tạo nên một con thuyền hình dạng thủy động học, cho phép thuyền giảm được sức cản của dòng chảy tối ưu và rất ổn định trên mặt nước.

Những cặp mấu nhô ra đối xứng giữa hai mạn thuyền là chỗ đặt ván ngang cho mỗi tay chèo cách nhau 51 cm cho thấy thuyền đủ chỗ cho 10 tay chèo cùng ngồi bơi trên thuyền. “Tôi hình dung với cấu trúc thuyền gọn nhẹ thì đây chính là phương tiện siêu tốc trên sông nước thời bấy giờ”, ông Long nhận định.

Từ những gì đã quan sát được, tiến sĩ Long đưa ra một số nhận xét ban đầu, căn cứ vào hình dáng của nó, đây là một con thuyền độc mộc cổ, độc đáo, rất có thể có niên đại hàng nghìn năm thuộc thời dựng nước. Cấu trúc con thuyền cho thấy một kĩ thuật làm thuyền độc mộc thủ công ở một trình độ điêu luyện.

Có thể thuyền đã được chế tạo cho hai mục đích: vừa làm thuyền chiến, vừa làm thuyền đua.

Tiến sĩ Long cũng đặt câu hỏi nghi vấn: Vì sao hai con thuyền lại buộc úp vào nhau và được nhấn chìm dưới đáy sông ở một vị trí địa lí đặc biệt trên đường trục thẳng từ chùa Phật Tích chiếu thẳng tới khúc sông có vực sâu cửa đền Kinh Dương Vương chiếu tiếp đến lăng Sỹ nhiếp ở hướng sau đền? "Rất có thể đây là một nghi thức trấn yểm quan trọng", tiến sĩ Long nhận xét.

Một số hình ảnh về chiếc thuyền cổ tại nhà ông Nghị:
 

Phát hiện chiến thuyền cổ ở sông Đuống - 1

Phát hiện chiến thuyền cổ ở sông Đuống - 2

Phát hiện chiến thuyền cổ ở sông Đuống - 3

Phát hiện chiến thuyền cổ ở sông Đuống - 4

Phát hiện chiến thuyền cổ ở sông Đuống - 5

Chiếc thuyền cổ được tìm thấy dưới đáy sâu sông Đuống. Ảnh do tiến sĩ Vũ Thế Long cung cấp

Theo Phan Anh
Đất Việt