TT-Huế:

Phát hiện cây gõ mật quý hiếm thuộc hàng đại thụ

(Dân trí) - Ngày 27/12, tin từ Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa phát hiện 1 cây gõ mật quý hiếm thuộc vào hàng đại thụ, với chu vi thân cây hơn 4 mét.

Theo đó trong đợt tuần tra giám sát đa dạng sinh học vừa qua, các cán bộ bảo vệ rừng của Khu bảo tồn Sao La đã phát hiện 1 cây gõ mật (tên khoa học là Sindora cochinchinensis H.Baill, thuộc nhóm 1A, gỗ quý hiếm, nghiêm cấm khai thác rừng tự nhiên với mục đích thương mại) tại một tiểu khu thuộc Khu bảo tồn này.

Qua đo đạc, cây gõ mật có chu vi toàn thân 4,4m, đường kính gần 1,5m, đạt chiều dài trên 15m. Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là cây gõ mật có đường kính lớn nhất tính đến thời điểm hiện nay, được phát hiện trong khu vực rừng thuộc tỉnh nhà.

Phát hiện cây gõ mật quý hiếm thuộc hàng đại thụ
Cán bộ Khu bảo tồn Sao La tiến hành đo đạc cây gõ mật đại thụ (Ảnh do Khu Bảo tồn Sao la TT-Huế cung cấp)

Hiện các bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn Sao La TT-Huế đang ráo riết cùng Đồn biên phòng Hương Nguyên (huyện A Lưới) tăng cường tuần tra lâm tặc hoặc người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép ở khu vực có cây gõ mật trên để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Được biết thời gian qua, cán bộ ở khu bảo tồn Sao La TT-Huế đã tìm thấy nhiều động vật đặc hữu. Việc phát hiện cây gõ mật lớn trên đã cho thấy tiềm năng đa dạng sinh học rất lớn tại Khu bảo tồn này.

Phát hiện cây gõ mật quý hiếm thuộc hàng đại thụ

Cây gõ mật quý hiếm vừa được phát hiện ở Khu Bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh do Khu Bảo tồn Sao la TT-Huế cung cấp)

Tại Việt Nam, cây gõ mật mọc nhiều ở các tỉnh Gia Lai, KonTum, Đắk Lắk, Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai. Đặc biêt ở vùng núi của tỉnh An Giang, cây gõ mật mọc tập trung nhiều ở núi Nam Qui, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Loại cây này đã bị khai thác, chặt phá trái phép đến cạn kiệt. Chủ yếu trong rừng chỉ còn những cây có đường kính thân nhỏ, chủ yếu là những cây tái sinh sau nương rẫy.

Đại Dương