“Phập phồng” với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
(Dân trí) - Quá nhiều chữ “nếu”, quá nhiều phương án giả định được nêu trong lần đầu QH bàn về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đối diện với hàng loạt câu hỏi chất vấn.
Chưa bấm nút “thông” dự án
Theo đề án trình của Chính phủ, 2 nhà máy điện hạt nhân dự định đặt tại các xã Phước Dinh, Vĩnh Hải của tỉnh Ninh Thuận sẽ có 4 lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 2 (công nghệ của những năm 1970-1990) trở lên, ước tính khoảng 12 tỷ USD (nguồn vốn huy động trong nước khoảng 25%, vốn vay đối tác nước ngoài 75%).
Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng chưa thể yên tâm với công nghệ lò thế hệ 2, đề nghị ít nhất phải dùng lò thế thệ thứ 3 hoặc 3+, có khả năng tự khu biệt, xử lý nếu xảy ra sự cố nhưng vốn đầu tư có khả năng “trồi” lên 16 tỷ USD.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An, đại diện cho tiếng nói phản biện từ Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật VN) cho rằng không nên lấy năm 2020 là mốc cố định để tự “ép tiến độ”, thực hiện dự án vội vàng để gây áp lực lớn như hiện tại.
Đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) phân tích: “Nếu thực hiện đúng lộ trình thì đến năm 2025, Việt Nam có thể từ một nước trắng tay trở thành 1 trong 15 quốc gia hàng đầu về công nghệ hạt nhân. Được thế thì rất tuyệt vời nhưng kế hoạch liệu có khả thi khi chúng ta không nội địa hóa được một khâu, một công đoạn sản xuất nào”.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) “bàn lui”: có thể bù đắp 2000Mw điện theo công suất thiết kế của 1 nhà máy hạt nhân bằng cách tiết kiệm năng lượng hiện tại. Ông Tiến nêu con số, hiệu suất tiêu thụ năng lượng của Việt Nam hiện đang cao gấp đôi nhiều nước trong khu vực, tiềm năng tiết kiệm điện ở các ngành, lĩnh vực đều có thể đến 20-30%. Có thể giãn thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân nếu tiết kiệm được.
Quyết liệt hơn, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phát biểu, không tán thành chủ trương đầu tư dự án trong lúc này vì Việt Nam chưa đủ tiềm lực, chưa sẵn sàng làm điện hạt nhân. Nguồn nguyên liệu Uranium để hoạt động trong 10 năm đầu trông chờ hoàn toàn vào nước ngoài, theo đại biểu phân tích là quá bấp bênh.
“Không thể coi những thanh nguyên liệu này như các loại hàng hóa khác. Có 100 lý do đối tác có thể đưa ra để không bán và 101 lý do khác để trì hoãn bán. Về giá bán, giai đoạn đầu theo tính toán cần đến 900 triệu USD mua nguyên liệu và cứ sau 18 tháng lại thêm 320 triệu USD nữa", ông Thuyết lo lắng về bài toán giá thành. Hội đồng thẩm định quốc gia ước tính, giá bán điện hạt nhân sẽ cao gấp 3 lần giá điện hiện tại, không cạnh tranh, có đáng để bỏ tiền xây dựng nhà máy?
Việt Nam hiện chỉ có khoảng 30-40 nhân lực nắm được về điện hạt nhân. 10 năm nữa nhà nước có chuẩn bị được đủ ít nhất 1000 cán bộ nhân viên để vận hành 1 nhà máy?. Đại biểu Thuyết cho rằng, dự án được xây dựng trên nền mạo hiểm quá lớn. “Cho đến giờ phút này tôi không dám bấm nút để thông qua dự án” – ông Thuyết chốt lại.
Xử lý chất thải – ngâm 30 năm rồi… tính tiếp
“Trấn an” các đại biểu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lật lại từng nội dung còn nhiều băn khoăn, nghi ngại.
Về việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy tại Ninh Thuận, cũng có 34 tiêu chí phải xem xét. Sau khi áp các tiêu chí đó thì Việt Nam có 8 vị trí phù hợp trong đó Ninh Thuận đáp ứng đầy đủ nhất.
Về lộ trình, quy mô dự án, triển khai 1 hay song song 2 nhà máy, Bộ trưởng Công thương cho biết các cơ quan đang nghiên cứu, tính toán tiếp. Phương án khai thác năng lượng tái tạo (như gió, mặt trời, thủy triều…), ông Hoàng cũng chỉ ra không phải là vô hạn vì suất đầu tư cao, lượng điện tạo ra được tính đến năm 2030 từ thái dương năng cũng chỉ đạt 1000Mw trong khi đến 2020 Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng.
Đối với việc xử lý chất thải phóng xạ sau sản xuất (mỗi năm khoảng 84 tấn), với loại mật độ thấp, xử lý đóng thùng phuy và lưu tại nhà máy, loại mật độ cao ngâm trong bể nhà máy 30 năm rồi tìm giải pháp xử, xu hướng thế giới tìm cách tái sử dụng.
Việc nhập Uranium nguyên liệu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xác nhận sẽ thụ động cho tới năm 2030, sau đó sẽ nghiên cứu để có thể tự túc. Tuy nhiên, đến nay các mỏ Uranium thô cũng chưa tiến hành điều tra, đánh giá trữ lượng. Để khắc phục, theo Bộ trưởng Công thương, khi ký kết hợp đồng sẽ có điều khoản buộc đối tác phải cam kết cung cấp các thanh nguyên liệu lâu dài cũng như việc cho vay vốn trả dần, trả chậm.
P.Thảo