1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Phân quyền cho địa phương

“Sai quy định, nhưng có lợi cho dân thì kiên quyết làm!”. Đó là câu nói gây xôn xao dư luận của một vị thủ lĩnh danh tiếng ở địa phương - ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng.

Với sự năng động và quyết đáp của mình, vị thủ lĩnh này đã vượt qua nhiều thách thức, phá bỏ nhiều rào cản để thúc đẩy phát triển ngoạn mục cho Đà Nẵng. Câu nói của ông vì vậy phản ánh không chỉ một tính cách, mà còn là một thực tế. Thực tế đó là: Tuân theo cho hết các quy định của trung ương sẽ rất khó cho các địa phương.

Mặc dù thế nào là có lợi cho dân là thứ khá đa nguyên. Nhìn từ góc độ này nó thế này, nhưng nhìn từ góc độ khác nó lại thế khác. Những quy định của các bộ, ngành ở trung ương suy cho cùng cũng chỉ nhằm làm sao có lợi cho dân mà thôi. Tuy nhiên, trung ương cần làm gì và làm đến mức nào thì có lợi cho dân, địa phương làm gì và làm đến mức nào thì có lợi cho dân là điều cần bàn.

Cô Yuko Morita - một chuyên gia Nhật Bản có hơn hai năm làm việc tự nguyện tại UBND một xã ở tỉnh Bắc Giang - nhận xét: “Thực ra, chính quyền ở địa phương của các ông là hết sức bận rộn, căng thẳng. Họ cố hết sức cũng không thể thực hiện hết các chỉ thị, thông tư, mệnh lệnh từ trên dội xuống. Dĩ nhiên là họ còn rất ít thời giờ để chăm lo cho đời sống của những người dân ở địa phương”. Việc tập quyền quá lớn cho cấp trên mà không phân quyền đầy đủ cho cấp dưới dẫn tới tình trạng chính quyền cơ sở không còn khả năng phản ứng trước các vấn đề của địa phương và trợ giúp cho những người dân. Đây có thể là một trong những lý do dẫn đến tình trạng chính quyền ngày càng xa dân, ngày càng trở thành một bộ máy cai trị hơn là bộ máy phục vụ.

Ngoài ra, việc thực hiện các chỉ thị, thông tư, mệnh lệnh của cấp trên là rất khó không chỉ vì chúng quá nhiều, mà trong không ít trường hợp chúng còn quá xa thực tế. Đây là lúc mà những thủ lĩnh mạnh mẽ ở địa phương sẽ lựa chọn: “Sai quy định, nhưng có lợi cho dân thì kiên quyết làm!”. Tuy nhiên, thử tưởng tượng cảnh không chỉ Đà Nẵng mà tất cả các tỉnh, thành khác đều lựa chọn cách hành xử như vậy. Không nói ra thì ai cũng đoán được là: Thế thì pháp chế ở đất nước ta sẽ bị phá vỡ. Và hậu quả sẽ là khôn lường.

Để tránh rủi ro của việc chính quyền địa phương hoặc không thể chăm lo cho người dân, hoặc buộc lòng phải vi phạm các quy định của cấp trên, điều quan trọng là chúng ta phải phân quyền nhiều hơn nữa và phải xây dựng cho được chế độ tự quản địa phương. Trước tiên, chúng ta cần phải lựa chọn cho mình một mô hình phân chia quyền lực phù hợp. Trong bốn mô hình tồn tại trên thế giới, mô hình các cấp chính quyền hỗ trợ cho nhau (mô hình của nước Đức) là có vẻ đáng tham khảo hơn cả. Theo mô hình này, tất cả mọi thẩm quyền đều thuộc về cấp dưới, chỉ trừ những thứ mà cấp dưới không làm được mới được chia cho cấp trên.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng
Lao động