1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Phần lớn trẻ em đã từng bị lạm dụng

Tại lễ phát động Chiến dịch phòng chống lạm dụng trẻ em sáng 18/11, UNICEF đã công bố bản báo cáo nghiên cứu thực trạng lạm dụng trẻ em ở 4 tỉnh Việt Nam. Theo đó đã có 35,7% trong tổng số 2.800 người được hỏi đã bị lạm dụng về tâm lý hoặc lời nói.

29,3% người được hỏi trả lời đã chứng kiến bạo lực giữa những người lớn trong gia đình, 70% bị phạt thân thể, trong đó, trẻ trai bị đánh nhiều lần hơn trẻ gái.

 

Theo ông Jaap E. Doek, Chủ tịch Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em, hàng triệu trẻ em từng là nạn nhân của nhiều hình thức lạm dụng khác nhau. Đó có thể là hành vi đánh đập, quát mắng, bóc lột lao động, xâm hại tình dục và sao nhãng, bỏ mặc các em.... "Sự tổn thương đối với bản thân trẻ thường kéo dài đến hết cuộc đời, khó có thể đếm được những mất mát tiềm năng của con người do hậu quả của sự lạm dụng" ông Jaap E. Doek nói.

 

Điều tra tại 4 tỉnh Hà Nội, Lào Cai, An Giang, Quảng Trị cho thấy, hình thức lạm dụng phổ biến nhất là sự đánh đập của bố hoặc mẹ. Nhiều em cho hay, chúng đã phải chịu bạo lực thân thể từ họ hàng hay anh chị lớn tuổi hơn. Tỷ lệ bị đánh đập cao nhất là những trẻ em sống tại trường giáo dưỡng và các trung tâm bảo trợ xã hội, kế đến là nhóm học sinh tiểu học. Nhiều trẻ sau khi bị đánh đã bỏ nhà và sa vào các hoạt động có nguy cơ phạm tội cao như lạm dụng ma túy, mại dâm.

 

Nhiều bà mẹ cũng đã thừa nhận đánh con là không nên nhưng họ không thể kiểm soát được cơn nóng giận của mình khi đứa con mắc lỗi và đã trút lên đầu đứa trẻ những những trận đòn hay lời nhiếc mắng. Ngay tại lễ phát động, một học sinh lớp 8 trường THCS Trưng Vương, Hà Nội, đã bày tỏ sự băn khoăn rằng liệu cha mẹ đánh mắng các em có phải là lạm dụng thân thể, như thế có phải là phạm pháp và ai sẽ là người bảo vệ các em khi chính những người thân trong gia đình đã làm tổn thương mình. Một học sinh khác cũng cảm thấy bối rối khi thông điệp của chiến dịch: "Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng" đã trái ngược hẳn với quan điểm về cách dạy con truyền thống "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Tuy nhiên, theo bà Deepavali thì câu thành ngữ của nhân dân là được đúc kết qua kinh nghiệm. Song kinh nghiệm ấy cũng cần phải thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Hơn nữa, câu thành ngữ ấy còn mang tính hình tượng rất cao. Sự nghiêm khắc của cha mẹ cũng có thể coi là roi vọt trong trường hợp này.

 

3% trẻ em được hỏi cho biết đã bị hiếp dâm hoặc hình thức xâm hại tình dục khác khi còn nhỏ và 2,1% trong số đó bị ép buộc 1 lần hoặc vài lần. Trong số những trường hợp này thì có 9,2% người gây ra hành vi được xác định là họ hàng. 1,3% được xác định là cha, cha dượng hoặc người tình của mẹ.

Cũng theo bản báo cáo của UNICEF, nhiều trẻ em còn chịu sự lạm dụng tình cảm tâm lý khi bị mắng nhiếc, dọa nạt. Hình thức này rất phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở môi trường học đường. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì theo nhà tâm lý học Mỹ Menninger, ta cư xử với trẻ như thế nào, trẻ sẽ cư xử như thế với xã hội. Thực tế trẻ bị lạm dụng thường gặp các rối loạn về hành vi và tình cảm như mặc cảm tự ti, trở nên chán nản và hung hăng hơn.

 

Vấn đề bạo lực gia đình cũng đang là một trong những vấn đề được coi là trầm trọng ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu cũng đã cho thấy, trong khi người lớn thường cho việc chồng đánh vợ trước mặt trẻ con không gây hại gì. Nhưng thực tế, theo bà Deepali, Giám đốc tổ chức Plan: "Đây là một điều vô cùng tai hại. Bởi với những trường hợp này, ngôi nhà lại là nơi các em phải đối mặt với sự tra tấn và bạo lực của một người gần gũi với mình và một người mà lẽ ra các em có thể tin tưởng".

 

Do bạo lực gia đình thường được coi là lĩnh vực riêng tư nên hầu hết các trường hợp không được công bố và mọi chuyện diễn ra trong sự im lặng. Ông Doek cho rằng thử thách lớn nhất là ngăn chặn hành động lạm dụng trẻ em ngay từ gia đình. Đây là một thực tế đáng lo ngại và là một trong những bi kịch lớn nhất của nhân loại.

 

Hiện nay, lạm dụng tình dục trẻ em đang là một vấn đề nghiêm trọng mà không chỉ trẻ em Việt Nam mà khắp thế giới phải đối mặt. Kết quả điều tra thật sự gây sốc khi gần 80% người được hỏi cho biết đã bị đụng chạm vào vị trí tế nhị trên cơ thể. Phần lớn các em cho biết sự việc này xảy ra 1 lần hoặc một vài lần. Các em thường bị lạm dụng bởi những người quen biết, họ hàng. Một điều bất ngờ là trẻ trai bị lạm dụng nhiều gấp hai lần so với trẻ gái. Một trong vô số hình thức lạm dụng là hành vi sờ vào bộ phận sinh dục trẻ. Nhiều người lớn cho rằng đây chỉ là cách biểu hiện tình cảm vô hại đối với bé trai. Song hầu hết các em đều phản đối điều này và cho biết không hề cảm thấy thoải mái, thấy khó chịu và bị xâm hại, thậm chí là lạm dụng.

 

Theo Trịnh Vũ
VnExpress