Phản hồi của người dân trên báo Dân trí phản ánh chân thực cuộc sống
(Dân trí) - Gạt đi những lo ngại về việc quản lý báo chí điện tử khi tính năng tương tác với độc giả ngày càng cao, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội dẫn chứng, như đọc phản hồi trên Dân trí thấy những phản ánh chân thực về cuộc sống, ý kiến rất đóng góp, tích cực…
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Hiền Đức là một trong những uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội tham gia góp ý trong phiên thảo luận về dự thảo luật Báo chí sửa đổi chiều 17/9. Đây là lần đầu dự thảo luật này được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ để xét xem có đủ điều kiện để trình Quốc hội kỳ họp thứ 10, bắt đầu vào tháng tới không.
Thủ tục, giấy phép can thiệp quá sâu, hạn chế quyền tự do báo chí
Dự thảo luật đã được UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẩm tra sơ bộ.
Vấn đề nhận nhiều sự quan tâm nhất: Quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí. Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục Đào Trọng Thi chỉ rõ: Dự thảo Luật quy định đến 9 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Một vài loại giấy phép được liệt kê như “giấy phép hoạt động báo chí”, “giấy phép xuất bản thêm các ấn phẩm, phụ trương…”, “giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình”, “giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp”…
Ông Thi nhận định, quy định như vậy làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí.
Lãnh đạo UB Văn hoá, Giáo dục đề nghị cơ quan soạn thảo (Bộ Thông tin – Truyền thông) rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ.
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cũng nêu vấn đề, hiện nay có quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, dự thảo Luật không có những quy định nhằm khắc phục tình trạng trên mà lại duy trì cơ chế bao cấp (bằng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16). Cơ quan thẩm tra yêu cầu sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho nhà nước.
Tham gia ý kiến, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhận định, dự thảo luật chưa sửa các quy định để thể hiện những vấn đề quan trọng như quyền tự do ngôn luận trên báo chí và tự do báo chí đã được Hiến định, để công dân được thực hiện quyền này mà mới “nhắm” vào vấn đề quản lý báo chí, nghề làm báo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí là vấn đề lớn. Nếu hiểu đây là hai phạm trù khác nhau và gắn với chủ thể khác nhau là không đúng. Do đó, cần xác định rõ lại nội hàm để quy định cho đúng với tinh thần Hiến pháp cũng như công ước quốc tế.
Báo điện tử sẽ sớm thành… thống lĩnh
Mổ xẻ thêm vấn đề quản lý báo chí, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích, xu hướng phát triển trong tương lai của báo chí – một tương lai không xa, sẽ diễn ra mạnh mẽ trong 5 năm là báo chí điện tử sẽ vươn lên vị trí thống trị. Nhà nước phải đón đầu cho xu hướng này, xây dựng hành lang hoạt động cho loại hình báo chí có tính cập nhật thông tin, chia sẻ thông tin và tương tác thông tin rất mạnh này.
Bà Mai dẫn chứng, ngay việc UB Thường vụ họp như này, chỉ nửa giờ sau khi buổi làm việc kết thúc, trên các trang báo điện tử đã thông tin phản ánh. Quốc hội vừa công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh thì mở các trang báo ra cũng đã thấy đầy đủ số phiếu, tỷ lệ phiếu, thậm chí đã có cả biểu đồ, so sánh. Cách thức tác nghiệp đó, báo giấy, báo ngày không thể nào chạy kịp được.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước góp lời, chính vì sự nhanh nhạy của thông tin mạng, phải làm sao để quản lý, có chế tài xử lý được những sai phạm không phải chỉ trên báo điện tử mà trên cả các trang blog, mạng xã hội như facebook, twistter… hay kiểm soát những nội dung bình luận của người dân, những trang độc giả viết trên các báo vì nhiều thông tin từ khu vực này… rất nguy hiểm.
Gạt đi những lo ngại của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền lại cho rằng, báo điện tử là một kênh thông tin chính thống hữu hiệu. Ông Hiền chia sẻ: “Đọc phản hồi của người dân trên các báo điện tử hàng đầu như Dân trí, Vnexpress sẽ thấy những phản ánh rất chân thực về cuộc sống, chủ yếu là những ý kiến bày tỏ niềm tự hào về đổi thay của đất nước, rất ít những ý kiến lạc lõng”.
Quy định quản lý, theo đó, phải làm sao để phát huy được những thế mạnh của loại hình phương tiện truyền thông của thời đại này.
Giải đáp thêm thắc mắc của các thành viên UB Thường vụ Quốc hội về việc không quy định hoạt động của các trang thông tin điện tử vào luật, Bộ trưởng Thông tin – truyền thông Nguyễn Bắc Son lý giải, các trang thông tin điện tử không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật báo chí, nếu chúng ta đưa vào luật thì vô hình chung chúng ta thừa nhận những trang tin này là báo chí, tức là chúng ta có báo chí tư nhân.
“Trang thông tin điện tử không phải là báo chí nên sẽ được điều chỉnh trong luật khác” – Bộ trưởng Son nhấn mạnh.
Cấp một thẻ nhà báo: 4 cơ quan xem xét
Cơ quan thẩm tra dự án luật – UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng yêu cầu “chỉnh” quy định về việc cấp thẻ nhà báo.
Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo luật, ngoài tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí, thông tấn; Phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, thông tấn… đủ điều kiện sẽ được cấp thẻ hoạt động. Dự thảo cũng quy định, giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập có tham gia hoạt động báo chí và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũng được xem xét cấp thẻ nhà báo.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định đối tượng được xét cấp thẻ như trong dự thảo quá rộng, bao gồm cả những người làm công tác quản lý báo chí, các giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập, mặt khác, lại đòi hỏi thủ tục cấp thẻ rất phức tạp khi một người được cấp thẻ nhà báo, phải có sự thống nhất đề nghị của 4 đơn vị: cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, sở TTTT và hội nhà báo.
Thường trực UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng, thẻ nhà báo là để cấp cho những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, có tác phẩm báo chí và gắn với cơ quan báo chí cụ thể.
Do vậy, cơ quan này đề nghị cân nhắc, quy định tiêu chuẩn cụ thể căn cứ vào thời gian làm báo, số lượng và chất lượng tác phẩm báo chí và chỉ nên quy định cơ quan báo chí - là nơi quản lý trực tiếp người được xét cấp thẻ, đề nghị cấp thẻ nhà báo.
P.Thảo