Phải xin phép trước khi ghi hình CSGT: Dung túng tiêu cực?
(Dân trí) - “Văn bản mà Cục CSGT đường bộ-đường sắt gửi các cơ sở là văn bản trái pháp luật. Chỉ có thể hiểu đây là hành động bao che, dung túng cho những vi phạm, tiêu cực của cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm”.
Sau khi nội dung văn bản được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội đã có phản ứng gay gắt, không đồng tình với quy định C67 đưa ra. Giải thích về văn bản đã ban hành, C67 cho biết đó chỉ là văn bản nội bộ và không có ý nói cấm.
Về việc này, ông Thuyết cho biết: “Cấp Cục ban hành quy định trái luật bằng công văn là sai cả về hình thức văn bản lẫn thẩm quyền ban hành văn bản. Ở nước ta, chỉ có một cơ quan có quyền sửa đổi luật là Quốc hội. Chính phủ cũng không thể ban hành quy định như vậy được, đừng nói là cấp Cục của một Bộ”.
Vì vậy, theo ông Thuyết, văn bản này không có tính “chính danh”. Điều đó có thể hiểu như lực lượng CSGT đang thỏa thuận ngầm với nhau. Lãnh đạo Cục CSGT đang có hành động bao che, dung túng cho những vi phạm và tiếp tay cho tiêu cực của cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm. Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng sự việc dù giải thích cách nào cũng không thể chấp nhận được.
Theo ông Thuyết, C67 phải công bố thu hồi ngay văn bản và nhận khuyết điểm của mình, không tiếp tục cho ra những văn bản kiểu này.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng nhắc lại chuyện trước kia đã có lãnh đạo C67 phát biểu “anh em CSGT chỉ lấy 50.000 hay vài trăm nghìn đồng thì không phải là tham nhũng, mà chỉ là tiêu cực; phải từ 2 triệu đồng trở lên mới gọi là tham nhũng”. Theo ông Thuyết, phát ngôn như vậy chứng tỏ các vị đó không hiểu luật, bởi nhận tiền từ 2 triệu đồng trở lên là phạm tội tham nhũng, phải chịu trách nhiệm hình sự, còn dưới 2 triệu đồng vẫn là hành vi tham nhũng tuy chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị xử lý kỷ luật.
Giải thích về văn bản quy định do mình ký, Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ-đường sắt - cho hay: “Mục đích ban hành văn bản số 1042 chính xác là để xây dựng lực lượng CSGT cho trong sạch vững mạnh, cảnh giác với những người lợi dụng báo chí để làm bậy, ngăn chặn các hành vi giả danh báo chí. Quy định này không phải cấm người dân quay phim, chụp ảnh”. Ông Hà quả quyết, trong văn bản “không có chỗ nào ghi cấm”. Khi phóng viên đến quay phim, chụp ảnh thì nên trao đổi với nhau (với CSGT - PV) để hướng tới mục đích xây dựng. Còn cảnh sát, công an vẫn làm theo pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân, mọi thứ đều công khai minh bạch. Về quyền giám sát của người dân, theo ông Hà khi người dân đến quay phim, chụp ảnh thì phải cộng tác giữa 2 bên. Cảnh sát cũng phải hỏi người quay có phải là nhà báo không? Nếu là công dân thì anh có giấy tờ gì không? Anh quay với mục đích gì? “Sợ quay xong cứ đưa lên facebook, đưa lung tung hết cả lên thì cũng mệt” - ông Hà diễn giải lí do. |