1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phải xây dựng “tư duy Biển Đông” để bảo vệ chủ quyền

(Dân trí) - Việc Trung Quốc công bố bản đồ “đường lưỡi bò”, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông khiến dư luận bất bình, cho rằng, Trung Quốc đang biến Biển Đông thành “ao, hồ” của mình. <i>Dântrí</i> trao đổi với nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, TS Trần Công Trục quanh vấn đề này.

Phải xây dựng “tư duy Biển Đông” để bảo vệ chủ quyền  - 1

Tiến sĩ Luật Trần Công Trục: "Trung Quốc hiện rất lúng túng. Họ chưa có lập luận một cách rõ ràng về quan điểm, quy chế pháp lý của đường lưỡi bò".

 
Vừa qua Trung Quốc đã đưa ra một bản đồ thể hiện đường biên giới trên Biển Đông hình lưỡi bò chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Làm việc lâu năm trong lĩnh vực biên giới, ông có nhận xét gì về động thái này?

 

Đường biên giới trên biển do Trung Quốc xuất bản có hình chữ U hay còn gọi là “đường lưỡi bò” có xuất xứ từ năm 1947, do một người làm bản đồ của Đài Loan vẽ ra. Khi đó, họ miêu tả “đường lưỡi bò” này thành đường đứt đoạn trên những tài liệu tuyên truyền chứ không phải tài liệu chính thức của chính quyền.

 

Gần đây, sau khi Trung Quốc công bố bản đồ hình lưỡi bò, Việt Nam và một số quốc gia liên quan đã lên tiếng phản đối và khẳng định tài liệu này không có giá trị, vi phạm công ước luật biển 1982, vi phạm đến chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam cũng như các nước có liên quan.

 

Về kỹ thuật vẽ bản đồ thì hình thức thể hiện của đường lưỡi bò này là ký hiệu của đường biên giới quốc gia theo quy ước quốc tế. Nghĩa là trong phạm vi của đường biên giới này là nội thuỷ và lãnh hải của Trung Quốc. Họ muốn biến 80% diện tích Biển Đông thành vùng nội thuỷ và lãnh hải của mình mà nhiều người nói, đó là cái ao, cái hồ của họ.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói là Nhà nước Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc trong các tuyên bố của mình lại mâu thuẫn với hình thức thể hiện. 

 

Ông có thể nói rõ hơn những mâu thuẫn này?

 

Tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc về chiều rộng lãnh hải, theo đó chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý, ngoài phạm vi này là vùng biển quốc tế.

 

Đến 1992, pháp lệnh về lãnh hải và vùng tiếp giáp, chỉ qui định lãnh hải 12 hải lý xung quanh những vùng đất mà họ xác định chủ quyền và có vùng tiếp giáp cũng rộng 12 hải lý. Như thế nghĩa là họ cũng chỉ nói đến vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp, cộng lại là 24 hải lý thôi.

 

Gần đây, trong công hàm Trung Quốc phản đối hồ sơ đăng ký về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, trên cơ sở chủ quyền đó, Trung Quốc có vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của mình và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (quyền chủ quyền là quyền của quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa). Chính tuyên bố trong hồ sơ này cũng mâu thuẫn với sự thể hiện đường biên giới quốc gia trên biển của họ.

 

Rõ ràng, quan điểm họ đưa ra là hoàn toàn mâu thuẫn với hình thức thể hiện của đường biên giới hình lưỡi bò trên Biển Đông. 
 
Phải xây dựng “tư duy Biển Đông” để bảo vệ chủ quyền  - 2

Đường biên giới hình lưỡi bò trên Biển Đông do Trung Quốc đưa ra

 

Cơ sở khoa học phía Trung Quốc đưa ra để chứng minh cho việc công bố đường lưỡi bò như thế nào thưa ông?

 

Trung Quốc hiện rất lúng túng. Họ chưa có lập luận một cách rõ ràng về quan điểm, quy chế pháp lý của đường lưỡi bò. Các đường này toạ độ cụ thể ra sao cũng chưa rõ. Có rất nhiều vấn đề về hình thức, nội dung, pháp lý thay đổi một cách bất hợp lý…

 

Có điều đáng lưu ý là họ tận dụng tất cả các diễn đàn khoa học, hội thảo… để trưng ra bản đồ có hình này. Nếu quốc tế tiếp nhận mãi thông tin, trở thành thói quen mà không có phản ứng gì thì có thể là đã mặc nhiên thừa nhận theo kịch bản mà họ sắp đặt.

 

Nhiều học giả cho rằng, đó là thủ đoạn “xâm lược” bằng tên gọi, bằng bản đồ. Họ đang cố giành sự công nhận trên thực tế thông qua những biện pháp đó. 

 

Dường như phía Trung Quốc đã bất chấp cả sự thật, pháp lý nên mới đưa ra bản đồ vô  lý đến vậy. Thậm chí ngay cả cảm quan bình thường nhất cũng thấy, đường lưỡi bò “liếm” sâu, bao dọc suốt bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei?

 

Vậy nên tất cả những người có trình độ nghiên cứu, những người có lương tâm khi nhìn cái đó đều lắc đầu cho rằng đó là điều hoàn toàn vô lý. Thực tế, họ đang từng bước chính thức hoá điều vô lý đó. Vì vậy, nếu chúng ta không dành sự quan tâm một cách nghiêm túc, lên tiếng một cách mạnh mẽ thì sẽ rất khó khăn về sau. 

 

Theo ông, nếu Trung Quốc áp dụng đường biên giới biển lưỡi bò như vậy thì ngoài việc ảnh hưởng chủ quyền, vấn đề kinh tế với Việt Nam sẽ bị tác động như nào?
 
Phải xây dựng “tư duy Biển Đông” để bảo vệ chủ quyền  - 3

TS Trần Công Trục: Trung Quốc đang dùng thủ đoạn "xâm lược" bằng tên gọi, bằng bản đồ. Và Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực. 

 

Chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì nếu được công nhận đường này thì gần như toàn bộ vùng Biển Đông sẽ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tất cả các mỏ dầu của chúng ta cũng nằm trong khu vực này. Đấy là chưa tính tới các ngư trường, giao thông trên biển, chiến lược an ninh...

 

Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực. Đây là điều sống còn, cũng là tiền đồ và cơ hội phát triển của một nước nhìn ra Biển Đông.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền biển, chúng ta cần huy động sức mạnh toàn dân trong việc bảo vệ lãnh thổ cũng như xây dựng một tư duy về Biển Đông, tập hợp đội ngũ những chuyên gia nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biển, chiến lược biển…?

 

Đúng, theo tôi biển là một vấn đề lớn, tổng hợp nhiều lĩnh vực trong đó việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền chỉ là một trong những nội dung trong đó.

 

Tư duy biển phải là có cách nhìn tổng hợp, một chiến lược phát triển, xây dựng về mặt kinh tế biển, bảo vệ nguồn tài nguyên biển, xây dựng kế hoạch an ninh quốc phòng trên biển với ý nghĩa là bảo vệ Tổ quốc, chống lại ngoại xâm. Và, muốn làm gì thì cũng phải có tiềm năng, sức mạnh. Huy động lực lượng toàn dân tộc là qui luật tất yếu để giải quyết vấn đề rất khó khăn, phức tạp này. Đây là câu chuyện về sự mất còn.

 

Ra biển để tìm tòi, khai thác, làm ăn, bảo vệ, nó là vấn đề đòi hỏi trí tuệ, đầu tư tiền bạc lớn; vì biển là một lĩnh vực đa ngành. Đơn thương độc mã như cách làm ăn của ngư dân từ trước tới nay hay vài nhà nghiên cứu nói được mấy câu sách vở lý thuyết không thể làm được.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Nguyên Đức - Phương Thảo

(Thực hiện)