1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Phải quan niệm ăn thịt thú rừng là... phá hoại”

(Dân trí) - “Phải bỏ khái niệm ăn thịt thú rừng là vinh dự mà phải thấy ăn cái đó là nhục nhã, là phá hoại. Chẳng có lý do gì mà chúng ta không đóng cửa tất cả các cửa hàng bán thịt này lại”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí về dự án luật Đa dạng sinh học mà Quốc hội thảo luận hôm nay, 2/6, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, luật rất cần thiết và ra đời càng sớm càng tốt. Trong luật phải có chế tài đi kèm bởi chúng ta hiện đang mất đi đa dạng sinh học từng ngày từng giờ.

Dự án luật đa dạng sinh học lần này có bật lên được những điều GS mong muốn?

Tôi thấy luật rất đầy đủ, nhưng chưa nghiêm lắm vì nó không cụ thể phạt như thế nào, cấm như thế nào, nhất là về thực phẩm chuyển gen. Tôi nói thí dụ, quy định, cơ sở nhập sinh vật chuyển gen về phải xác định tác hại lâu dài, nhưng trình độ của mình làm sao xác định được. Mình chỉ nên ghi trên sản phẩm, chẳng hạn thức ăn gia súc có dùng ngô của Mỹ chuyển gen, ai muốn dùng thì dùng, không muốn dùng thì thôi.

Tôi cũng muốn nói thêm về cây chuyển gen. Như cây bông của chúng ta chẳng hạn, sâu bệnh rất nhiều, nhưng nếu chuyển gen BT là một con vi khuẩn, có tinh thể độc, không hại cho người, gia súc, gia cầm, nhưng sâu cắn vào lá bông đó coi như tự tử. Cho nên bông có ghép thêm BT rất tuyệt vời! Chúng ta nên mạnh dạn học tập những nước có trình độ cao như Mỹ hay nước lân cận chúng ta là Trung Quốc về lĩnh vực chuyển gen này.

Lâu nay các nhà khoa học còn có những vướng mắc khi thực hiện các ý tưởng, vậy luật có giúp được các nhà khoa học tận dụng chất xám, khả năng của mình?

Chúng ta không chỉ bảo vệ nguồn gen mà phải tìm, phát hiện nguồn gen mới và tôi thấy luật thiếu hẳn chương về phát hiện nguồn gen mới của vi sinh vật bởi nguồn gen mới của động vật, thực vật khó lắm. Đối với thực vật chúng ta nên tận dụng những nghiên cứu của nước ngoài. Ví dụ vừa qua Trung Quốc đã làm điều tra cực kỳ lớn về những cây chống ung thư. Trong danh sách đó, tôi tìm được 50 cây Việt Nam có, tôi đã công bố. Lẽ ra sau khi có công bố đó, nhà nước phải có chính sách đưa những cây đó trồng lại và tìm cách mà sử dụng, nhưng chúng ta đã không làm điều đó.

Cụ thể, theo ông không làm được là do đang vướng ở đâu?

Tức là không ai quan tâm. Tôi công bố nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách và hình ảnh 50 cây chống ung thư đó. Ví dụ, cây “bảy lá một hoa”, Trung Quốc thu mua rất nhiều, dân Hoàng Liên Sơn thi nhau nhặt, bây giờ không thể tìm thấy ở đó được nữa. May quá, tôi chỉ thấy ở Viện Dược liệu một vài cây. Nếu như tôi là người nắm trách nhiệm, tôi sẽ huy động nhân, cấy mô cây đó để không chỉ dùng mà xuất khẩu. Chúng ta phải nghiên cứu rất nhiều mà chúng ta không có thuốc chống ung thư.

Nhưng liệu những cây đó có thực sự chống được ung thư?

Trung Quốc họ đủ khả năng nghiên cứu và họ đã có nhiều thuốc lắm rồi. Tôi nghĩ những cây đó nên được bảo vệ, nên được trồng trọt, khai thác.

Gần đây, cứ ít ngày báo chí lại có tin kiểm lâm bị tấn công và kiểm lâm đang là nghề nguy hiểm. Ông nói gì về điều này và theo ông phải có chế tài thế nào để bảo vệ được rừng?

Đã quá muộn, nhưng muộn còn hơn không - còn một ít rừng, ta nên bảo vệ đi. Tôi đã nói từ lâu là phải bộ đội bảo vệ rừng và nếu không phải bộ đội thì kiểm lâm phải được vũ trang như bộ đội mới bảo vệ được. Kiểm lâm hiện nay súng không có đạn mà cũng không được bắn. Tôi ở Tây Nguyên, tôi hỏi kiểm lâm thì anh em bảo họ chỉ đứng đường chặn xe ô tô thôi chứ không vào trong rừng, lâm tặc đông lắm, dữ tợn lắm.

Kiểm lâm không giữ được rừng, chỉ có đứng trên đường chặn gỗ mà nếu móc ngoặc nhận tiền thì chẳng giữ được gỗ nữa. Đáng nói hơn, người ta đã cưa gỗ rồi thì nói làm gì nữa… Kiểm lâm không hoàn thành nhiệm vụ vì lực lượng của họ không đủ sức làm…

Theo ông, có những kinh nghiệm gì cần phải học tập các nước?

Tôi mới đi Nêpan về. Đây là nước cực nghèo nhưng rừng thì họ bảo vệ cực kỳ tốt. Mỗi đoàn đã vào rừng Nêpan thể nào cũng thấy một con vật quý. Cứ 2 người lên một con voi, một đàn voi đi vào rừng, tôi thì gặp 2 con tê giác, đoàn khác gặp hổ, đoàn khác nữa gặp báo. Họ ngăn rừng quốc gia chỉ bằng một sợi dây thép nhưng không có một người dân nào vào lấy một que củi, không có người dân nào săn bắn. Họ chia lợi nhuận du lịch đó cho người dân địa phương, cho nên người dân quý rừng, coi rừng như ruộng lúa nhà họ. Rừng quốc gia của mình cũng phải chia lợi ích cho những người xung quanh để họ giúp mình bảo vệ rừng. Dân địa phương sẽ giúp mình chống lâm tặc khai thác gỗ trái phép, săn bắt động vật quý hiếm.

Chúng ta cũng nên cấm tuyệt đối các món ăn thú rừng đặc sản. Không ít người quan niệm, ăn cái đó mới chứng tỏ mình sang trọng. Phải bỏ khái niệm ăn cái đó là vinh dự mà phải thấy ăn thịt thú rừng là nhục nhã, là phá hoại. Chẳng có lý do gì mà chúng ta không đóng cửa tất cả các cửa hàng bán thịt này lại.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Cường