1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về đàn hổ nuôi:

Phải khen thưởng, chứ sao lại bắt nạt dân!

Rất bức xúc trước thông tin Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị tịch thu đàn hổ nuôi của dân ở Bình Dương, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi điện cho báo chí. Chúng tôi đã đến gặp ông…

Ông nói: Tịch thu đàn hổ nuôi của dân là hết sức vô lý. Động vật hoang dã, đặc biệt là động vật quý hiếm, một mặt phải hết sức nghiêm khắc đối với việc săn bắt và tiêu dùng, nhưng mặt khác phải khuyến khích rộng rãi nhân dân nuôi dưỡng chúng.

Muốn chúng tồn tại và phát triển, phải khuyến khích người dân nuôi chúng, chăm sóc chúng. Cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước phải hướng dẫn, giúp đỡ dân, để làm sao chúng sinh sôi nảy nở vừa để bảo đảm an toàn cho người xung quanh.

Đối với những việc sai trái, như việc nuôi gấu vì lợi ích thiển cận, mà bắt ép gấu để lấy mật quá nhiều, quá sức chịu đựng của nó, làm cho nó kiệt sức đi, việc này không thể chấp nhận được. Còn người ta nuôi với tất cả tình cảm, trách nhiệm để bảo tồn và phát triển động vật quý hiếm thì phải khuyến khích, phải giúp đỡ người ta. Sợ nhất là người ta không nuôi, sao lại đòi tịch thu khi người ta nuôi tốt!

Ông có ý kiến gì về đàn hổ của ông Ngô Duy Tân và một số gia đình ở Bình Dương?

Trường hợp này tôi có theo dõi. Từ 5 con hổ bệnh tật, người ta mua về, cứu chữa, chăm sóc, rồi phát triển thành cả bầy hổ. Người ta phải tốn kém, trách nhiệm lắm mới làm được, Nhà nước đâu có làm nổi chuyện này. Từ trước tới nay chưa bao giờ có ai làm tốt như thế, chưa bao giờ có chuồng trại an toàn như thế, chăm sóc tốt như thế, sinh sôi nảy nở nhiều như thế.

Và người ta có bẩm báo đàng hoàng với chính quyền địa phương, được chính quyền địa phương khuyến khích. Rất tiếc vừa rồi chính quyền địa phương đã không lên tiếng bảo vệ. Người ta nuôi có hợp pháp không? Hợp pháp chứ! Nuôi công khai minh bạch.

Tôi theo dõi báo chí nên biết việc này và chính tôi đã đến thăm. Tôi thấy hết sức thích thú. Các hãng tin nước ngoài cũng đến thăm, họ cũng cho đó là điều chưa từng có.

Thưa ông, mặc dù Nghị định số 32 (ra ngày 30/3/2006) của Chính phủ khẳng định "Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm", nghĩa là việc nuôi hổ của ông Tân và các gia đình ở Bình Dương là không vi phạm pháp luật. Nhưng Bộ NN&PTNT vẫn đề nghị tịch thu. Và mới đây nhất, ngày 21/3, Cục Kiểm lâm vẫn cho rằng các gia đình ở Bình Dương đã "gây, nuôi hổ không có nguồn gốc hợp pháp" và khẳng định "sẽ xử lý nghiêm"?

Họ vi phạm cái gì mà xử lý? Họ mua những con hổ ốm yếu, họ đã báo với anh. Cơ quan quản lý nói không rõ nguồn gốc, có nhà khoa học nào đó cũng nói không rõ nguồn gốc, đó là nói theo sách vở. Truy ra nguồn gốc là việc của anh, không phải là việc của dân, người dân chỉ biết bồng lên những con hổ ốm yếu để cứu chữa nó.

Họ đã báo với chính quyền địa phương, chính quyền địa phương cũng là nhà nước chứ ! Họ đã nuôi tốt như vậy, trước hết phải khen thưởng họ chứ sao lại có chuyện bắt nạt người ta? Chính quyền của dân sao kỳ lạ vậy ! Công lao người ta như thế, người ta làm điều ích nước lợi dân như thế, cơ quan Nhà nước phải có đạo lý với dân, lẽ ra phải phát hiện đây là nhân tố mới, đáng trân trọng, đáng biểu dương khuyến khích, sao lại cho người ta là phi pháp?

Nhưng người ta vẫn viện dẫn luật pháp...

Tôi rất hoan nghênh báo chí đã phản ứng mạnh mẽ chuyện này. Nếu không có báo chí chắc đàn hổ này đã bị tịch thu rồi, còn bắt tội người ta nữa. Hãy nhìn những con hổ trong vườn thú của ta, con nào cũng ốm nheo ốm nhách. Hôm nay tôi đọc báo thấy con hổ tịch thu đem về Sóc Sơn nuôi, bữa nay cũng không ra gì cả, lông rụng tả tơi, không còn là hổ nữa.

Hãy đối chiếu những con hổ đó với những con hổ dân nuôi để thấy cái công của dân. Người ta đã trình thưa đàng hoàng, đã tôn trọng luật pháp. Nhưng giả sử người ta không xin phép, giả sử người ta làm không đúng đi chăng nữa thì khi họ làm tốt như vậy cơ quan Nhà nước cũng phải khen, rồi nhắc nhở, hướng dẫn, giúp đỡ người ta làm cho đúng.

Trong trường hợp luật pháp chưa quy định đầy đủ hoặc không rõ ràng thì phải bổ sung cho đầy đủ, vì việc này dân làm trong thực tế là bảo tồn và phát triển được đàn hổ và bảo đảm an toàn.

Theo tôi, đây là trường hợp điển hình, cần nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng, nếu luật pháp thiếu thì bổ sung. Quản lý Nhà nước mà viện vào những điều chưa hợp lý của luật pháp để truy bức dân là không có đạo lý.

Tôi xin lưu ý, trường hợp này hoàn toàn khác về bản chất với những trường hợp vi phạm đất đai, xâm phạm lợi ích công rồi cho hợp pháp hóa. Trường hợp này là người dân làm lợi cho đất nước. Người ta nuôi hổ rất hay, hay không thể tưởng tượng nổi.

Mấy ngày qua báo chí lên tiếng rất nhiều, nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn giữ nguyên ý định tịch thu và họ đã đưa ra các phương án giải quyết... Họ vẫn tịch thu thì làm thế nào, thưa ông?

Tôi chờ xem mấy ổng sẽ làm gì. Các phương án mà Cục Kiểm lâm đưa ra không có phương án nào dân chấp nhận cả. Chính phủ nên ngăn chặn việc tịch thu đàn hổ và tuyên dương những người dân nuôi hổ. Tôi muốn viết thư cho cả Quốc hội nữa. Rõ ràng những người dân này đã cứu những con hổ và đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để phát triển được cả đàn hổ.

Luật pháp nếu chưa đủ thì phải bổ sung, rồi hướng dẫn, giúp đỡ dân. Tôi nghĩ rằng luật pháp cũng phải tạo điều kiện để nhân ra, để những con hổ nuôi thành công được chia sẻ cho những người khác cùng nuôi, với những quy định an toàn nghiêm ngặt.

Người nuôi hổ đã đầu tư rất tốn kém để bảo tồn và phát triển đàn hổ, luật pháp còn cần tạo điều kiện cho họ thu hồi vốn đã bỏ ra nữa. Cái gì dân làm được phải cho dân làm, phải khuyến khích, cổ vũ dân làm và phải tôn vinh những người làm tốt.

Theo Hoàng Hải Vân
Báo Thanh niên