1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phá núi tìm vàng

Nơi đây, mỗi ngày có đến cả trăm tấn "nẹp" (quặng vàng) bị bóc ra khỏi lòng núi. Máy móc chạy rầm rĩ ngày đêm. Hoạt động khai thác vàng trái phép cứ thế diễn ra một cách công khai ở Lào Cai.

Một ngày dưới hầm lò

 

Bất chấp vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt búng ra sữa của tôi, dân vàng “tặc”ở bãi số 3 xã Minh Lương, huyện Văn Bàn (Lào Cai) vẫn nghi tôi là công an! Cũng may trước khi đi, tôi đã thủ sẵn tấm thẻ sinh viên hồi còn học ở Đại học Kinh tế quốc dân, thế là với vỏ bọc "bị nhà trường cho nghỉ vì nợ tiền học phí và học lực quá yếu" cộng với sự bảo lãnh của người đồng hương, tôi đã vượt qua thử thách đầu tiên. Ông chủ giải thích về sự cẩn trọng này: "Ở bãi vàng có cả trăm người làm cửu vạn, trong số đó có cả những đối tượng bị truy nã, khi vụ Năm Cam bị đánh, công an cũng lên đây xin làm cửu vạn để truy tìm phạm nhân. Tôi phải cảnh giác, biết đâu chú cũng là đặc nhiệm lên bắt phạm nhân thì sao".

 

Đã 3 giờ chiều nhưng cả chục con người vẫn nằm la liệt trên tấm phản gỗ ngáy o o. Đam - cũng như những ông chủ khác ở đây - quan tâm đến "lính" chỉ để khai thác tối đa công suất làm việc của họ: có ngủ ngon thì tối mới đào vàng khỏe! Tiền công, dân mới như tôi thì mỗi tháng được 700.000-800.000 đồng, lâu năm được hơn 1 triệu đồng. Bài học đầu tiên mà tôi được dân cửu vạn đi trước dằn mặt là: "Năm trước ở bãi Rừng Vầu có hơn chục người bị chết vì sập hầm, mới đầu năm nay lại có thêm một người nữa".

 

5 giờ chiều, mọi người bị xua dậy. Cơm, canh được dọn lên: một đĩa rau muống luộc, một thau nước canh, một bát đậu sốt cà chua. Nhanh tay mỗi người cũng chỉ được 2 gắp rau và 1-2 miếng đậu. Xung quanh tôi, người thì xăm trổ đầy tay, người thì mặt mày hốc hác, đờ đẫn. Xong bữa cơm, tôi được phân công làm ở tổ anh Hường. Cả tổ có 12 người. Theo lịch, cứ hết 15 ngày làm ca đêm, chúng tôi lại chuyển sang làm ngày. Ca ngày từ 6 giờ sáng đến 18 giờ, ca đêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Phân vậy thôi chứ làm ca ngày hay ca đêm cũng như nhau, bởi cuộc sống ở đây chỉ có ngủ và lên hầm.

 

17 giờ 45, tôi được giao gùi một đống bao tải dứa lên hầm rồi sau đó, đặt bước chân đầu tiên vào cửa hầm. Đi được mấy bước thì thấy khí lạnh truyền từ gan bàn chân, chạy dọc theo sống lưng. Thì ra từ đây hầm bắt đầu có nước. Chợt các bóng điện phụt tắt. Một người chửi thề: "Đ.M, chuẩn bị trước đi chứ, vào đến đây rồi còn mất điện, đấu sống có ngày nó giật chết cả lũ". Điện có, tiếp tục đi, rồi mới biết trong cái hầm này không chỉ có 12 người tổ tôi, mà đến gần 100 mạng.

 

Vào sâu khoảng 100m, qua mấy cái ngách, đến một hố sâu mọi người trong tổ lần lượt bám vào chiếc dây thừng được buộc sẵn, từ từ tụt xuống. Anh tổ trưởng hỏi thăm: "Có sợ không? Ăn thua gì, giếng của mình mới sâu hơn chục mét. Lúc nãy trên đường đi có mấy cái ngách rẽ ngang, mỗi ngách đó là một giếng, có những giếng sâu vài ba chục mét".

 

Đưa cho tôi chiếc búa và chiếc đục, Hường nói: "Đục đi". Phải năm phút sau nhát đục đầu tiên, chỗ đục mới bắt đầu bở bở ra từng miếng nhỏ. Đục được đến đâu, có người gom đến đó, tất cả được dồn vào bao tải, dùng tời kéo lên, đổ vào xe bò chuyển ra ngoài cửa hầm. Mỗi lúc có ai dừng đục, người tổ trưởng lại nhắc nhở.

 

Bỗng ùng một cái, cả quả núi rung chuyển, tôi giật mình nhìn lên nóc hầm. Anh cửu vạn bên cạnh chế nhạo: "Sao nhát thế, người ta nổ mìn đấy", rồi nói tiếp: "Cùng một hầm, mỗi tổ đào một giếng nên chuyện đào thông sang nhau là chuyện bình thường. Vì thế có những lúc bên kia người ta nổ mìn, bên này không biết, nẹp (quặng chứa vàng, rắn hơn cả đá - PV) văng bắn cả vào mặt, khối thằng bị gãy chân rồi đấy".

 

Mạng sống của con người ở đây thật nhỏ nhoi. Khói mìn, khói thuốc, khói của máy móc mù mịt xả ra trong cái hầm dài gần 200m, sâu hơn 10m, không có ống thông gió. Tôi bị ngộp thở, ói mửa vì cái mùi hỗn hợp kinh khủng ấy. Khoảng gần 23 giờ, một cửu vạn đến yêu cầu tôi đổi cho anh ta chiếc đục và ra lệnh: "Mày đục chiếc đục hơi này. Khi đục thì ấn vào nút này". Đưa chiếc đục lên, lấy hết sức đẩy, ép mũi đục vào vỉa nẹp, chiếc đục rung lên khầng khậc làm tôi có cảm giác như lồng ngực mình long ra.

 

Cầm cự được 15 phút, tôi ngồi bệt xuống. Anh Hường thông báo: "Đến chỗ nẹp cứng rồi, nổ mìn đi để tí vào đục tiếp". Một gói nhỏ dài được Hường lôi ra từ bịch bao tải, đặt vào hõm nẹp. Cửu vạn gọi cái gói này là "một cây", tương đương với hai lạng rưỡi thuốc nổ. Một người ở lại châm ngòi còn tất cả ra ngoài ăn cơm nghỉ giữa ca. Đi đến giữa hầm, mìn nổ, núi rừng rung chuyển, một luồng khí cực mạnh phả từ trong ra như muốn đẩy mọi người ngã sấp.

 

Vào ca hai, tôi được lên trên mặt giếng để quay tời. Một bao nẹp nặng khoảng 50-60 kg cứ thế quay lên quay xuống cho đến 6 giờ sáng thì thay ca. Dân cửu vạn lũ lượt kéo ra suối tắm. Người gánh nẹp thuê vẫn tiếp tục vác nẹp từ cửa hầm về chỗ đặt máy nghiền và đãi vàng. Khu vực này thì nội bất xuất ngoại bất nhập, trừ một vài người được ông chủ tin tưởng cho đứng canh.

 

Chừng 7 giờ sáng, khi những người làm ca sáng đi hết, người làm ca tối đã ngủ, ông Đam cùng với một người tên Sơn lấy từ trong túi ra một bọc giấy bạc to bằng quả cam hai lạng, bỏ vào chiếc niêu đất nhỏ xíu có nắp đậy, đun trên than củi. Khoảng 10 phút sau, hai ông bắt đầu mở nắp chiếc niêu, cho máy vào khò. Một màu vàng óng dần dần lộ ra...

 

Rừng núi tan hoang

 

Đứng trước trụ sở HĐND, UBND xã Minh Lương (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), người xe ôm chỉ tay lên đỉnh núi xót xa: "Anh nhìn xem, dân đào vàng đi đến đâu là rừng núi bị tàn phá đến đó". Đứng dưới Quốc lộ 279 nhìn lên, những vệt đá trắng chảy dài xuống lưng chừng núi như những hàng lệ ứa ra từ lòng núi.

 

Bãi 3 nằm cách Quốc lộ 279 chừng 500m do Sơn "ngộ" người Lào Cai và ông Tùng làm chủ. Dưới hai ông này là những người cai đầu cánh (có nhiệm vụ tổ chức cửu vạn đào hầm - PV) như ông Đam, ông Toan, ông Yên... Ông chủ lớn có sắm sửa, trang bị toàn bộ máy móc, thiết bị đào hầm; cai đầu cánh chiêu mộ cửu vạn và ăn chia với chủ lớn theo tỷ lệ 6/4 (chủ lớn 6, cai đầu cánh ăn 4). Cách tổ chức này giúp các ông chủ tàn phá núi rừng nhanh hơn.

 

Giữa lưng chừng núi, người ta đào những cái hố to, rộng cả trăm mét vuông, phục vụ cho việc đãi vàng. Toàn bộ quả núi ở Bãi 3 đã bị đục đẽo tứ phía, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, xiên trái, xiên phải. Suốt 400m đường rừng, từ lán lên đến hầm, chủ bưởng đào tung cả núi lên để chôn dây điện xuống dưới, khoét núi để đặt máy nổ, máy hơi, máy nghiền... Ông Đam cho biết: "Một ngày máy nghiền nẹp ăn hết trên dưới 5 tấn nẹp” (nghiền xong mới cho nước vào để lọc ra vàng - PV). Cả Bãi 3 có tới 5 - 6 máy nghiền nẹp, một ngày cửu vạn có thể khoét núi đẽo ra tới ba, bốn chục tấn nẹp.

 

Thế nhưng dân cửu ở Bãi 3 tiết lộ: "Ở đây chỉ bằng nửa bãi Rừng Xanh và Rừng Vầu". Sau gần 3 tiếng leo núi, dù đã hình dung trước, tôi cũng không thể tưởng tượng được cảnh người ta phá núi, khai thác vàng ở đây nhộn nhịp đến vậy. Ở khu vực này đang nổi lên hai đại gia là Hải Hằng và Thủy Bình, cả hai đều quê Thái Nguyên. Dưới trướng họ có đến năm, sáu trăm cửu vạn. Nơi đây, mỗi ngày có đến cả trăm tấn nẹp bị bóc ra khỏi lòng núi. Một người dân ở ven Quốc lộ 279 cho biết: "Cách đây mấy năm khu vực Rừng Xanh, Rừng Vầu cây cối tốt um". Bây giờ chỉ toàn đồi trọc, đá trắng. Mùa mưa, đất đá nhuộm một màu vàng, đục cả những con suối.

 

Khi đề cập đến nạn "vàng tặc" lộng hành ở Văn Bàn, ông Giàng Seo Phử, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai vẫn khẳng định: "Chúng tôi đã dẹp yên hết rồi. Mời anh cứ lên tận đây xem chứ nghe dư luận thì...".

 

Theo Xuân Toàn
Thanh Niên