1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Phá “lò” làm giả giấy tờ, lừa đảo du học

(Dân trí) - Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC14) - Công an Hà Nội cho biết vừa “bóc” được một đường dây lừa đảo du học, xuất khẩu lao động. Mở rộng điều tra, một đường dây làm giấy tờ, con dấu giả, “chạy” visa… cũng đã lộ diện.

Đầu mối của đường dây bắt đầu từ vị giám đốc Công ty TNHH Trí Phát, Dương Quốc Trung (SN 1965 ở phố Cầu Đất, Hà Nội). Trung từng bỏ vị trí tại một công ty du học để ra làm riêng. Tuy nhiên, Công ty Trí Phát chỉ được giới hạn chức năng tư vấn mà không thể lo thủ tục du học.

 

Giám đốc Dương Quốc Trung trong thời gian dài đã nhận lo cho rất nhiều trường hợp đi du học, đặt biệt là đi Hàn Quốc. Trí Phát nhận “xoay” trọn gói thủ tục, từ việc mở tài khoản, chứng minh tài chính tới lo bằng cấp, hộ chiếu, visa. Thường khách hàng phải giao cho Trung tối thiểu 10.000 USD.

 

Sau khi nhận tiền, thay vì đến ngân hàng mở tài khoản, nộp tiền, Trung đi thuê lại các “cầu” làm giả sổ tiết kiệm của các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, ngân hàng Đông Á…

 

Đã có hơn 40 người nộp tiền nhờ Trung làm hồ sơ cho đi du học. Một trong số nạn nhân sau khi chờ mãi không thấy Trung lo xong thủ tục, cầm sổ tiết kiệm mà vị giám đốc giao lại, ra ngân hàng rút tiền, lúc đó mới được thông báo đó là sổ tiết kiệm giả.

 

Vụ việc vỡ lở, công an vào cuộc, Dương Quốc Trung đã bỏ trốn, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vị giám đốc công ty Trí Phát vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát lệnh truy nã “trùm lừa”.

 

Mở rộng điều tra, CQĐT lần ra đầu mối được Trung thuê làm sổ tiết kiệm giả. Nguyễn Ngọc Ninh (SN 1959, trú tại tập thể Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội), một “chuyên gia” trong giới làm giả giấy tờ, bằng cấp với “kha khá” tiền án về hành vi này trước đó. Ninh tính giá 1,8-2 triệu đồng/sổ tiết kiệm. 

 

Sau khi chế bản, in giấy tờ theo yêu cầu của khách, các loại sổ, bằng giả được chuyển sang “xưởng” khắc dấu của Lê Vĩ Long (SN 1973, ở phố An Dương, Ba Đình). Cần dấu đỏ thì Long in lưới, cần dấu nổi thì Long khắc dấu đồng giả rồi cộp lên hồ sơ. Mỗi cặp dấu Long thu 400.000đ.

 

Hiện CQĐT cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Anh Tuấn, quê Bắc Giang, sinh năm 1973, là người nhận tiền của Trung để đi lo visa cho khách.

 

Bước đầu, PC14 - Công an Hà Nội đã bắt giữ 9 đối tượng tham gia các đường dây lừa đảo và làm giả giấy tờ. Vụ án đang được tiếp tục mở rộng khi công an còn thu giữ nhiều bằng đại học, cao học, cao đẳng, sổ tiết kiệm giả do “lò” của Long, Ninh và các đối tượng khác sản xuất. 9 bị can và hơn 10 tỷ đồng tiền lừa đảo chưa phải là con số cuối cùng.

 

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm