1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Phá hoại môi trường đâu cũng gặp!

(Dân trí) - "Tình trạng nhập khẩu máy móc cũ, sắt thép phế liệu chứa rác thải nguy hại diễn ra khá phổ biến với thủ đoạn rất tinh vi như tạm nhập, tái xuất hoặc khi bị phát hiện thì khai là “gửi nhầm hàng” và xin được chuyển trả lại…"

Báo cáo từ Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến và ngày càng trở lên tinh vi trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề truyền thống… lợi dụng chủ trương mở cửa, chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước và chính quyền các tỉnh cùng với những sơ hở về pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều nhà đầu tư xây không chú trọng đầu tư xây dựng các hạng mục thực hiện xử lý khí thải, nước thải, rác thải để bảo vệ môi trường; coi đây là giải pháp hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận của nhà đầu tư.

Qua kiểm tra đã phát hiện, hầu hết chất thải của các làng nghề đều không qua xử lý đã xả thải trực tiếp ra mương, rãnh, ao, ruộng lúa; nhiều nhà máy, xí nghiệp xả khí thải, rác thải, nước thải trực tiếp ra môi trường vượt rất nhiều lần so với mức cho phép, gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, nhất là hạ lưu các sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản và sức khoẻ của người dân.

Cùng đó, vấn đề bảo tồn và khai thác khoáng sản, bảo vệ đa dạng sinh học cũng đang đứng trước thách thức lớn. Mỗi năm, hàng nghìn ha rừng bị chặt phá, tập trung ở vùng giáp ranh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn; khu vực Tây Nguyên, Quảng Nam, Ninh Thuận, kể cả rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia, vi phạm nghiêm trọng quy chế bảo vệ đặc biệt, tầm quan trọng đối với môi trường.

Tình trạng vi phạm trong quản lý và xử lý chất thải y tế nguy hại, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt… cũng diễn ra phổ biến trên toàn quốc.

Trước thực trạng này, Cục Cảnh sát Môi trường vừa kiến nghị lên Chính phủ sớm tiến hành sửa đổi một số văn bản pháp quy đã lạc hậu, không phù hợp với thực tế hiện hành, gây khó khăn cho việc xử phạt đối với cơ quan quản lý.

Bộ Công an cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định quy định lực lượng Cảnh sát môi trường được tham gia Hội đồng thẩm định các dự án liên quan đến môi trường; được sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, xí nghiệp khi phát hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…

P. Thanh