1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ôtô nên “hi sinh” cho xe máy để giảm ùn tắc nội thành?

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa giao Hà Nội và TPHCM nghiên cứu giải pháp 5X5 - "cấm" ôtô con lưu hành trong trung tâm 5 giờ trong ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu) do cựu phi công Mai Trọng Tuấn đề xuất.

Sau khi nhận được thư của ông Mai Trọng Tuấn đề cập bước đi đầu tiên để thực hiện mục tiêu chống ùn tắc giao thông cơ bản và lâu dài với giải pháp: 5X5 - “5 giờ trong ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu) không cho xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nghiêm cứu và trả lời.

Cấm xe máy = “cắt cần câu cơm” của 95% người lao động

Theo ông Tuấn, nhiều người vẫn nghĩ số lượng xe máy những năm gầy đây bùng nổ trong khi Nhà nước mở đường chưa kịp nên cho rằng xe máy là nguyên nhân chủ yếu gây ra ùn tắc giao thông. Cũng vì thế không ít người muốn hạn chế, thậm chí không cho xe máy lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.
 
Ôtô nên “hi sinh” cho xe máy để giảm ùn tắc nội thành?
Ô tô nên "hi sinh" cho xe máy để giảm tắc đường?

“Cấm xe máy trong thời điểm hiện nay là đánh thẳng vào đời sống của trên 95% người lao động hiện đang sống và làm việc trong khu vực trung tâm thành phố, bởi phần lớn những người này hàng ngày vẫn thường xuyên lưu thông bằng xe máy, kể cả đi xe ôm”, ông Tuấn cho hay.

Nếu giải pháp cấm xe máy có hiệu lực, ông Tuấn lo ngại cuộc sống của rất nhiều người dựa vào xe máy sẽ đảo lộn, đã khó khăn càng thêm khó khăn. Khi đó một loạt vấn đề sẽ nảy sinh như nhóm đối tượng bị cấm xe sẽ phản ứng, thậm chí không thực hiện. Đó là chưa kể đến việc định thu thêm nhiều khoản phí để hạn chế một phần người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại thành phố. Không có lời giải cho vấn đề này một cách hợp lý và thỏa đáng thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí không thể thực hiện được giải pháp cơ bản.

“Hiện nay không thể và chưa thể bắt buộc đa số người dân đem xe máy đi gửi để mất tiền rồi lại dùng các phương tiện khác, tốn thêm 2 đến 3 lần nữa mà không thuận tiện. Đồng thời nhà nước cũng không lo đủ chỗ cho dân gửi xe máy”, ông Tuấn nhận định.

Ô tô cá nhân nên nhường xe máy 5 ngày trong tuần

Chính vì những lý do trên mà ông Tuấn đưa ra ý tưởng thực hiện 5X5 (25 giờ trong tuần) như một giải pháp chống ùn tắc giao thông. Mục tiêu của giải pháp này cụ thể là: “5 giờ trong ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu) không cho xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”.
 
Ôtô nên “hi sinh” cho xe máy để giảm ùn tắc nội thành?
Người Hà Nội chật vật với ùn tắc giao thông.

Trước khi lý giải ý tưởng, ông Tuấn cũng trực tiếp nêu câu hỏi tại sao không cho ô tô cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố mà lại cho xe máy lưu thông. Như vậy là bước "đi ngược" so với nhiều nước tiên tiến? Ông Tuấn lý giải, Việt Nam có hoàn cảnh cụ thể riêng, vì trong quá khứ nhiều vấn đề chúng ta cũng đã... đi ngược. Cụ thể, đường xá chưa mở được bao nhiêu, tốc độ tăng diện tích đường sá mới chỉ là cấp số cộng trong khi đó xe máy, ô tô tăng lên đột biến theo cấp số nhân. “Có nên chăng trước mắt vì lợi ích lâu dài của toàn xã hội chúng ta chấp nhận một bước đi ngược (cấm ô tô trước khi cấm xe máy - PV) để tìm ra sự thuận chiều”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Để thấy sự hơn thiệt của việc cấm loại phương tiện nào thì hợp lý ông Tuấn đưa ra dẫn chứng cụ thể ở thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến đầu năm 2012, thành phố chỉ có gần nửa triệu ô tô, còn xe máy trên 5 triệu. Tuy lượng ô tô chỉ bằng 10% xe máy nhưng diện tích chiếm mặt đường khi lưu thông là 55%, diện tích chiếm chỗ đỗ tới 65%. “Vậy trước mắt ô tô cá nhân hãy nhường đường cho xe máy 5 giờ trong 1 ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong 1 tuần (từ thứ 2 đến thứ 6)”, ông Tuấn nêu.

Ông Tuấn cũng lường trước những khó khăn trong cuộc sống mà người có ô tô cá nhân sẽ gặp phải nhưng ông cũng cho rằng thực tế số lượng người có ô tô cá nhân không nhiều, chỉ chiếm rất ít người lao động. Và phần lớn những người có ô tô cá nhân cũng đã từng đi xe máy và thực tế những nhà có ô tô cũng có xe máy, vẫn có phương tiện thay thế linh hoạt.

Theo ông Tuấn, người có ô tô vẫn có thể dùng xe máy trong giờ cao điểm như mọi người. Và ngoài 25 giờ cho mỗi tuần (5X5) còn lại thời gian khác họ vẫn sử dụng ô tô cho nhiều việc gia đình và những công việc khác. “Nếu có phải hi sinh một chút thói quen để nhường xe máy, chắc chắn số ít này cũng sẽ vui lòng. Nếu có ai đó phản ứng, không đồng tình thì cũng chỉ là số rất ít”, ông Tuấn phân tích.

Theo ông Tuấn, nếu thực hiện được điều này, sau vài năm, khi thành phố tổ chức tốt mạng lưới giao thông công cộng với nhiều loại hình, phục vụ mọi người đi lại tiện lợi dễ dàng khi đó có đề xuất không có xe gắn máy trong khu vực trung tâm, chắc chắn người dân sẽ đồng thuận và không có lý do gì để phản ứng, thậm chí người ta cũng sẽ tự động giảm sử dụng xe máy.

Có nên vận động xe biển xanh thực hiện 5X5 không?
 
Rất nên, và mong rằng cán bộ Nhà nước tham gia (trừ xe công vụ đặc biệt, xe đưa đón phái đoàn…). Người có tiêu chuẩn dùng xe hơi công nếu tự nguyện, cơ quan Nhà nước nên trả tiền cho họ đi taxi điều đó chắc chắn là tiết kiệm được cả về chi phí và lao động, tiết kiệm được hai chiều đưa đi đón về, đồng thời cán bộ thể hiện được sự gương mẫu hòa đồng với quần chúng, cũng là một việc làm cụ thể.
 
Quang Phong