Ông Vũ Viết Ngoạn: “Tôi học không vì tăng lương, tăng chức”
Những ngày qua, dư luận xôn xao chuyện ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sử dụng bằng tiến sĩ giả. Nhân gặp gỡ báo chí khi nhận nhiệm vụ mới, ông đã giãi bày về chuyện này.
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao chuyện ông Vũ Viết Ngoạn, tân chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sử dụng bằng tiến sĩ giả. Nhân gặp gỡ với phóng viên để trao đổi về những kỳ vọng khi nhận nhiệm vụ, ông đã trả lời thêm về chuyện bằng tiến sĩ của mình.
Ông Ngoạn nói:
Tôi đăng ký và được cơ quan cử đi học vào cuối năm 1995 tại Trường La Salle (Hoa Kỳ) theo phương thức học từ xa. Năm 1996 trường đã xảy ra vụ bê bối do ông hiệu trưởng vi phạm quy định pháp luật, trong đó có việc quảng cáo sai về chất lượng đào tạo. Đầu năm 1997, trường được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác và được cơ cấu lại. Trường có hội đồng quản trị mới và ban giám hiệu mới. Giai đoạn sau này trường hoạt động khá quy củ, nề nếp. Thời gian tôi đăng ký thi là vào năm 1997, 1998 và bảo vệ luận án vào cuối năm 1998.
Có vẻ như quá trình học tập của ông gặp khá nhiều khó khăn?
Một khó khăn nữa là tôi phải học và thi môn thần học vì đây là trường do nhà thờ sáng lập. Tôi chưa biết gì về thần học nên phải nhờ anh bạn tôi là Nguyễn Thành Nam ở FPT, sau này có thời gian anh làm tổng giám đốc FPT, giới thiệu cho tôi người bạn tên là Bình. Anh này trước học toán ở Trường Tổng hợp Lomonosov nhưng rất thạo về thần học. Anh đến giúp tôi một tuần hai buổi. Tôi đã theo học gần hai tháng, nhờ đó đã qua được bộ môn hết sức thách thức này.
Theo quy định của nhà trường, nghiên cứu sinh phải học một số môn học bắt buộc và một số môn tự chọn. Đối với một số môn tự chọn có thể được xin miễn nếu hội đủ các điều kiện như: đã học môn học tương tự ở trường đại học, hoặc tham gia công tác giảng dạy, hoặc đã xuất bản sách hay công trình nghiên cứu với những nội dung có liên quan, và tất nhiên phải có bản tóm tắt khoa học không dưới 1.500 từ đính kèm các tài liệu để chứng thực.
Do trước đây tôi đã học cao học về tài chính ở Ý, tham gia dự án cao học Hà Lan với tư cách giáo viên thỉnh giảng và hướng dẫn luận văn cũng như nói chuyện một số buổi tại Đại học Tài chính kế toán, đã đăng một số bài báo trên tạp chí nên tôi xin được miễn học một số môn. GS Vũ Thiếu, khi đó làm chủ nhiệm dự án cao học Hà Lan và giáo sư Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính kế toán, đã giúp tôi xác nhận báo cáo tóm tắt đề cương bài giảng.
Xin hỏi thêm là khi chọn trường để học và lấy bằng tiến sĩ, ông có những thông tin gì về trường ấy?
Lúc đó VN chưa có Internet thuận tiện như bây giờ, nhưng qua tiếp xúc với họ thì tôi hiểu thêm được hệ thống giáo dục của Mỹ. Người ta cũng nói cho tôi rằng ở Mỹ những trường học theo phương thức từ xa và chất lượng ở mức độ vừa phải thôi thu hút nhiều đối tượng là giới kinh doanh.
Khi đó tôi đang làm ở doanh nghiệp (phó tổng giám đốc Vietcombank - NV) tôi cũng nghĩ rằng mục tiêu là học cho mình thôi, mình học cho mình, học để lấy kiến thức chứ có học để tăng lương tăng chức gì đâu. Với lại vì điều kiện gia đình, điều kiện tài chính, điều kiện công việc nên tôi quyết định lựa chọn và học ở trường này.
Quan tâm đến một số mô hình dự báo cấp thiết Thứ nhất, tôi muốn đề xuất thiết lập một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng giám sát thị trường tài chính; thứ hai, thiết lập mạng lưới cộng tác viên cũng như xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học để tham mưu chính sách kinh tế và tài chính cho Thủ tướng; thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học để tập trung xây dựng một số mô hình dự báo kinh tế. Về các mô hình dự báo, với chức năng nhiệm vụ được giao, chúng tôi quan tâm đến một số mô hình dự báo cấp thiết đối với VN. Trước hết, đó là mô hình dự báo “độ chênh sản lượng”, tức chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng. Đây là một công cụ quan trọng để đưa ra các dự báo về lạm phát. Hầu hết chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đều đã và đang sử dụng công cụ này. Thứ hai là mô hình lượng hóa mối tương quan giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng tín dụng và lạm phát trong điều kiện thực tế ở VN. Và thứ ba là xây dựng một hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro hệ thống tài chính đối với ổn định kinh tế vĩ mô và đo lường khả năng chịu đựng của hệ thống tài chính đối với biến động từ bên ngoài. |