Ông Triệu Thế Hùng: "Nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí - truyền thông"
(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Triệu Thế Hùng đề xuất cần nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí - truyền thông khi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam về dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.
Chiều 7/2, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Triệu Thế Hùng chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban với Hội Nhà báo Việt Nam về dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, nhằm phục vụ hoạt động thẩm tra dự thảo luật này.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Triệu Thế Hùng, báo chí là phương tiện thiết yếu với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cũng là diễn đàn của nhân dân.
Hoạt động của báo chí thường xuyên được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ, song đến nay, thực tiễn hoạt động báo chí trong xã hội đã có nhiều thay đổi.
![Ông Triệu Thế Hùng: Nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí - truyền thông - 1 Ông Triệu Thế Hùng: Nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí - truyền thông - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/DseAIG_sBU4VTlGVHO-sTWOdaj8=/thumb_w/1020/2025/02/07/2024122423465469731224vh-14-edited-1738931282024.jpeg)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Triệu Thế Hùng (Ảnh: Hồng Phong).
Ông cũng đề cập nhiều vấn đề nổi cộm đặt ra trong hoạt động báo chí hiện nay, như kinh tế báo chí phải làm sao vừa tạo nguồn lực để báo chí hoạt động tốt hơn, vừa đảm bảo đời sống của người làm báo.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đặt ra vấn đề về nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí - truyền thông.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng chia sẻ sau 8 năm thực hiện, đến nay Luật Báo chí đã khá lạc hậu nên việc sửa luật đặt ra rất cấp thiết.
Báo cáo về một số vấn đề bất cập trong Luật Báo chí 2016, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng Luật chưa đề cập đến một số mô hình cơ quan báo chí mới (tập đoàn truyền thông, tổ hợp truyền thông, tòa soạn hội tụ….). Việc này cần được cụ thể hóa trong Luật Báo chí để cập nhật và phù hợp với xu thế phát triển của báo chí.
Luật Báo chí năm 2016 cũng chưa có điều khoản quy định cụ thể về việc cơ quan báo chí, nhà báo, hoạt động báo chí phải tuân thủ theo tôn chỉ mục đích, dẫn đến tình trạng có nhiều vi phạm trong tuân thủ không đúng tôn chỉ, mục đích.
![Ông Triệu Thế Hùng: Nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí - truyền thông - 2 Ông Triệu Thế Hùng: Nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí - truyền thông - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/l6FoUjPtvmN4rRsi2pdIs6SSCc8=/thumb_w/1020/2025/02/07/1-1721099086607-1738931615361.jpg)
Sau 8 năm thực hiện, đến nay Luật Báo chí đã khá lạc hậu nên việc sửa luật đặt ra rất cấp thiết (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Cũng theo đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, do chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các văn phòng đại diện với cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, tổ chức Hội Nhà báo ở địa phương nên hiệu quả hoạt động chưa cao, khó xử lý trường hợp Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú vi phạm.
Nêu kiến nghị sửa đổi, vị đại diện đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh thêm loại hình mạng xã hội để các cơ quan báo chí mới có cơ sở đề xuất đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ đối với các sản phẩm báo chí đăng tải trên nền tảng này.
Theo đó, việc mở rộng này sẽ đòi hỏi phải có các quy định về tiêu chuẩn, nguyên tắc hoạt động, giúp nâng cao tính chính thống và uy tín của các trang mạng xã hội do các cơ quan báo chí quản lý.
Cũng theo Hội Nhà báo, loại hình trang thông tin điện tử tổng hợp là cần thiết, nhất là trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, nên thu hẹp việc cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.
Về mô hình cơ quan báo chí, Hội Nhà báo đề xuất bổ sung các mô hình mới như tập đoàn, tổ hợp báo chí, truyền thông, báo chí trên nền tảng số vì thực tế, các cơ quan báo chí đã phát triển theo mô hình tập đoàn, tổ hợp báo chí, truyền thông, báo chí trên nền tảng số.
![Ông Triệu Thế Hùng: Nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí - truyền thông - 3 Ông Triệu Thế Hùng: Nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí - truyền thông - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/otP5k2Rh_RYa0DwE6wL8e8WlDZ0=/thumb_w/1020/2025/02/07/nguyen-duc-loi-edited-1738931395281.jpeg)
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: Trần Hải).
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cũng nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến báo chí cấp thiết phải sửa đổi. Trong đó, ông đề nghị xác định rõ các loại hình báo chí, mô hình cơ quan báo chí; điều kiện để thành lập cơ quan báo chí và điều kiện để trở thành nhà báo.
"Đây đều là những vấn đề bức bối. Thực tế có người không được đào tạo báo chí, không có kỹ năng làm báo mà chỉ đi làm kinh tế báo chí cũng được gọi là nhà báo", ông Lợi nêu thực tế.
Về kinh tế báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị nghiên cứu cơ chế để các nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook sử dụng thông tin từ báo chí phải chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo cho báo chí. Đây là việc nhiều nước đã làm nhưng chưa được thực hiện ở Việt Nam.
Về thuật ngữ tổ hợp báo chí, tập đoàn báo chí - truyền thông, ông Lợi đề nghị cần có sự thống nhất.
Dự kiến, dự thảo Luật Báo chí sửa đổi được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (diễn ra tháng 5 tới) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10).