Ông Nguyễn Đức Chung là cán bộ cấp cao bị đình chỉ để điều tra tham nhũng
(Dân trí) - Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch TPHCM Trần Vĩnh Tuyến… là những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được tạm đình chỉ kịp thời để điều tra.
Đây là thông tin thể hiện trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020, được trình UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp sáng nay, 14/9.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong kỳ báo cáo, Cục Phòng chống tham nhũng (Cục IV) Thanh tra Chính phủ đã tiến hành một số cuộc thanh tra nhằm phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo và của Thủ tướng Chính phủ giao, như thanh tra dự án Đạm Hà Bắc, thanh tra việc sử dụng đất dại huyện Hoài Đức, thanh tra trường Đại học Ngoại thương.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã thụ lý điều tra 12 vụ, 58 bị can; trong đó khởi tố mới 6 vụ, 11 bị can (có 6 bị can thuộc 2 vụ án gồm: AVG 5 bị can; vụ Lương thực Trà Vinh 1 bị can); án cũ chuyển sang 6 vụ, 47 bị can (tài sản thiệt hại 7.368 tỷ đồng, tài sản thu hồi 9.594 tỷ đồng (trong đó chuyển trả Mobiphone: 8.774 tỷ đồng, kê biên, phong tỏa cổ phần và tiền 749 tỷ đồng; nộp vào tài khoản tạm giữ 79 tỷ đồng; kê biên 15 bất động sản; thu hồi vụ AVG: 8.846 tỷ đồng, vụ Yên Khánh 744 tỷ đồng).
Kết luận điều tra 4 vụ, 37 bị can; đình chỉ điều tra 1 vụ; chuyển đơn vị khác 2 vụ, 2 bị can; hiện đang điều tra 5 vụ, 19 bị can.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục phối hợp với Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ điều tra, truy tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xử lý, giải quyết những vụ án tham nhũng, đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết khẩn trương, kịp thời nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Nhân sự chủ chốt phục vụ Đại hội Đảng kê khai tài sản nghiêm túc
Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Chính phủ báo cáo, các cơ quan đã công khai kết quả thanh, kiểm tra, kiểm toán tại 5.528 cơ quan, tổ chức, phát hiện 88 đơn vị vi phạm (tăng gần 40% so với năm 2019).
Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ như định mức sử dụng xe ô tô, khen thưởng, lễ tết, các cơ quan đã tiến hành 2.944 cuộc kiểm tra, phát hiện 335 vụ việc và 467 người vi phạm (tăng 37,7% số vụ và 74,7% số người vi phạm so với năm 2019). Đã xử lý kỷ luật 56 người, xử lý hình sự 64 người; kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 43 tỷ đồng, đã được thu hồi và bồi thường gần 23 tỷ đồng.
Trong năm 2020, việc nộp lại quà tặng được Chính phủ, Thủ tướng quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Có 3 trường hợp nộp lại quà tặng (cùng kỳ năm trước không có trường hợp nộp lại) trị giá 31,8 triệu đồng.
Biện pháp luân chuyển cán bộ, các cấp các ngành đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng với hơn 26.700 lượt cán bộ (tăng 34% so với năm trước).
Kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc kê khai tài sản, thu nhập theo luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 chưa thực hiện được vì nghị định hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị số 35 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng.
Đánh giá về chế độ trách nhiệm phòng chống tham nhũng của người đứng đầu, báo cáo của Chính phủ nêu nhận định, đây là nhiệm vụ thường xuyên được tập trung, chỉ đạo.
Các cơ quan đã kịp thời áp dụng biện pháp đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác đối với những trường hợp cần phải đình chỉnh theo đúng quy định của luật Phòng chống tham nhũngvà Nghị định 59năm 2019của Chính phủ. Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Dẫn chứng được nêu là trường hợp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến…
Trong kỳ báo cáo, Chính phủ cũng nêu con số thống kê có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người, tiêu biểu như Bộ Xây dựng: 4 người, Bộ Tài chính: 1 người, tỉnh An Giang: 6 người, Thái Nguyên: 5 người… Số lượng như vậy tăng 66,1% so với năm 2019. Trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.