Ông lão người Mông xin trả giấy chứng nhận hộ nghèo

(Dân trí) - “Mình tự thấy gia đình đủ ăn, đủ mặc rồi, có thể lo cho con đi học thì mình xin trả giấy hộ nghèo thôi. Phải nhường cho các gia đình khác để họ có điều kiện phát triển kinh tế chứ”, ông Mùa Vả Phia (SN 1959, trú bản Phù Khả 2, xã vùng biên Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An) lý giải về hành động của mình đơn giản như thế.

Nhường phần người khó

Việc ông Mùa Vả Phia xin trả giấy chứng nhận hộ nghèo đã gây ra một “cơn địa chấn” tại xã biên giới này. Sự việc xảy ra gần 1 năm nhưng vẫn được bà con người Mông ở đây bàn tán cho đến tận bây giờ. Cũng có người bảo ông dại bởi được công nhận hộ nghèo là có thêm gạo, thêm dầu, muối, của Nhà nước cả, có mất gì của ai đâu mà trả lại. Ấy vậy nhưng, người đàn ông này nhất quyết trả lại giấy chứng nhận hộ nghèo.

Ông Mùa Vả Phia là một trong ít người Mông ở Na Ngoi xin trả lại giấy chứng nhận hộ nghèo để nhường cơ hội phát triển kinh tế cho các hộ khó khăn hơn.
Ông Mùa Vả Phia là một trong ít người Mông ở Na Ngoi xin trả lại giấy chứng nhận hộ nghèo để nhường cơ hội phát triển kinh tế cho các hộ khó khăn hơn.

Từ trên núi cao, theo lời vận động của cán bộ Đoàn kinh tế quốc phòng 4 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An), ông Phia cùng gia đình xuống lập nghiệp ở bản Phù Khả 2 này. Hồi đó, sau khi xuất ngũ về, ông Phia được đi học bổ túc văn hóa rồi làm cán bộ xã. Tiếng là cán bộ xã nhưng nhà có đến 9 đứa con, rào rào như tằm ăn rỗi nên gia đình ông Phia thiếu đói quanh năm. Kể cả đến khi ông nghỉ theo chế độ thì gia đình ông cũng luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã. Nghèo khó nhưng ông Phia có suy nghĩ tiến bộ lắm. 9 đứa con của ông, đứa nào cũng được đi học chữ.

3 người con trai, người học kém nhất thì hết lớp 9, người con trai đầu đã tốt nghiệp cao đẳng y, con trai út hiện đang học năm thứ 2 Trường ĐH Thể dục thể thao Hồng Đức. “Toàn bộ tiền lương hưu hơn 2 triệu đồng dành cho thằng Giờ (Mùa Bá Giờ) đi học cả đấy nhưng vẫn không đủ đâu, mỗi tháng phải cho thêm mấy trăm nghìn nữa cho nó no cái bụng, yên tâm mà học”, ông bảo thế.

Từ khi chuyển sang làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã (2007-2012), ông Phia bắt đầu triển khai các mô hình phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Được Đoàn kinh tế quốc phòng 4 hỗ trợ nhà ở, vốn phát triển kinh tế, ông Phia nuôi trâu, lợn, gà, trồng thêm các cây ăn quả, huy động các con phát nương trồng lúa nước.

Ông Mùa Vả Phia bên con trâu mộng trị giá hơn 50 triệu đồng, bằng cả gia tài của một hộ người Mông nơi đây.
Ông Mùa Vả Phia bên con trâu mộng trị giá hơn 50 triệu đồng, bằng cả gia tài của một hộ người Mông nơi đây.

Năm 2014, ông Phia mạnh dạn xin trả lại giấy chứng nhận hộ nghèo cho xã. “Nhờ sự giúp đỡ của bộ đội Đoàn 4, giờ mình đã gây dựng được đàn trâu 5 con, 8 sào ruộng lúa, trồng cây dong riềng, trồng chè bán cho Đoàn, rồi trồng cây ăn quả, cây gừng nữa. Mình thấy mình đủ ăn, đủ mặc rồi thì mình xin trả giấy hộ nghèo thôi. Hộ nghèo có thêm gạo, thêm muối của nhà nước cho nhưng làm như thế là không được. Mình khá hơn rồi, phải nhường cho gia đình khác còn khó khăn hơn để họ có cơ hội thoát nghèo chứ”, ông Phia khẳng khái nói.

“Na Ngoi là xã đặc biệt khó khăn, theo chuẩn nghèo đa chiều thì tỉ lệ hộ nghèo năm 2016 của xã chiếm tới 81,1%. Bởi vậy việc ông Mùa Vả Phia trả lại giấy chứng nhận hộ nghèo là một việc rất đáng trân trọng. Là một đảng viên, một cán bộ hưu trí, với ý chí thoát nghèo, ông Mùa Vả Phia rất có uy tín đối với đồng bào người Mông và nhân dân trong xã”, ông Mùa Dua Thái – Chủ tịch UBND xã Na Ngoi nói.

Khôi phục nghề rèn nổi tiếng của người Mông

Người Mông ở biên giới Việt – Lào xứ Nghệ vốn nổi tiếng với nghề rèn. Những nông cụ do thợ rèn người Mông sản xuất luôn được ưa chuộng do sắc, bền. Tuy nhiên, lâu dần, người Mông thích mua đồ sản xuất sẵn hơn là tự mình rèn lấy. Nghề rèn của người Mông mai một dần. Giờ tìm được thợ rèn đúng nghĩa của đồng bào Mông nơi đây còn hiếm hơn cả ánh mặt trời xuyên qua lớp mây mù ở đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn Phuxailaileng (xã Na Ngoi) vào những ngày Đông.

Nghè rèn của người Mông tưởng như đã thất truyền nay đã bắt đầu đỏ lửa trở lại.
Nghè rèn của người Mông tưởng như đã thất truyền nay đã bắt đầu đỏ lửa trở lại.

“Hồi còn nhỏ, mình được bố dạy cho. Lớn lên thì đi bộ đội rồi công tác ở xã. Về già thấy tiếc cái nghề ông cha để lại nên nghĩ phải tìm lại thôi. Nhưng khó cái là đồ nghề cũng thất lạc hết rồi, bí quyết của nghề mình cũng không nhớ được nhiều nữa”, Mùa Vả Phia tâm sự. Với quyết tâm khôi phục lại nghề rèn của đồng bào mình, ông mạnh dạn nhờ cán bộ Đoàn 4 dẫn sang Hà Tĩnh thăm các làng nghề rèn có tiếng ở đây để học hỏi.

Rồi bếp lửa lò rèn nhà Mùa Vả Phia được nhóm lên, đỏ rực như tâm huyết của lão già người Mông này. Hồi trước xã vùng biên này chưa có điện, người làm nghề rèn phải kéo bễ bằng tay. Giờ điện lưới vào đến nơi, ông Phia lắp thêm cái lò thổi để “hiện đại hóa” khâu kéo bể, giảm công sức bỏ ra. Không giống những nơi khác, thường dùng phôi thép làm sẵn để rèn dao, nông cụ. Mùa Vả Phia dùng nhíp ô tô rồi cắt ra, tôi qua lửa để tạo hình và dùng búa đập để đạt được kiểu dáng, kích thước như mong muốn. Bởi vậy, nông cụ của người Mông thường rất bền, nếu va phải đá hay chặt phải vật cứng, lưỡi cuốc, lưỡi dao chỉ có thể mẻ từng miếng nhỏ chứ không bị quăn lưỡi như những vật dụng thường thấy.

Ông Phia giảng giải về bí quyết nghề rèn của người Mông ở vùng biên xứ Nghệ
Ông Phia giảng giải về bí quyết nghề rèn của người Mông ở vùng biên xứ Nghệ

“Dao của người Mông rất sắc, lưỡi dao không bị gỉ sét và luôn sáng bóng. Ngoài việc chọn thép tốt để làm thì quan trọng nhất là bí quyết tui thép (tôi thép – PV). Mình thấy người Kinh rèn dao thường tui thép trong lửa rồi nhúng vào nước lạnh đột ngột sau đó mới mài. Còn ở đây, mình phải tui dao qua mỡ lợn hoặc thân chuối rừng đó”, lão thợ rèn Mùa Vả Phia chia sẻ bí quyết tổ nghề ông học được cách đây phải hơn nửa thế kỷ.

Đối với người Mông, nhất là người đàn ông thì dao là vật bất ly thân. Vào rừng phát cây làm rẫy, săn bắn ai cũng phải dắt theo con dao sắc ngọt bên hông. Và tất nhiên họ không tiếc tiền đầu tư cho vật bất ly thân này. Cứ mỗi chiếc dao tùy theo kích thước, ông Mùa Vả Phia bán với giá từ 150-250 nghìn đồng, cao hơn những chiếc dao cũng kiểu dáng vẫn được bán ở các chợ vùng cao.

Đắt vậy nhưng rèn chiếc nào bán hết chiếc đó, Mùa Vả Phia vui lắm: “Mình thấy nghề rèn của người Mông ta kiếm được tiền mà. Mỗi tháng mình làm chơi chơi vậy nhưng cũng kiếm được 2-3 triệu đó. Mình đang tính cho thằng Cô (Mùa Bá Cô – con trai ông Phia) học nghề rèn. Nó không được học cái chữ như anh trai, em trai thì ta phải cho nó cái nghề mà kiếm sống chứ”. Mùa Bá Cô hiện đang là thợ phụ việc của bố, mới chỉ học được những kỹ thuật cơ bản nhất của nghề rèn.

Ông Phia đang truyền nghề cho con trai Mùa Bá Cô.
Ông Phia đang truyền nghề cho con trai Mùa Bá Cô.

Ánh mặt trời đã ló qua màn sương mù dày đặc, rọi những tia sáng rực rỡ xua tan cái lạnh lẽo u tối của đỉnh Phuxailaileng - “đỉnh núi đói” theo lý giải của đông bào nơi đây. Dưới chân núi, những bản làng thấp thoáng ẩn hiện bên tán đào rừng đang nở rộ. Mùa Vả Phia bảo, nhờ có Đảng, có Nhà nước, có bộ đội, người Mông đã biết cách làm ăn, biết cách không để bị đói giữa trùng điệp núi rừng. Với đất này, rừng này, người Mông ở Na Ngoi giờ không sợ nghèo, sợ khổ nữa, chỉ sợ lòng mình không muốn hết nghèo, hết khổ mà thôi.

Hoàng Lam