Ông già mù và nửa thế kỷ leo cây mướn
Trưa. Nắng như thiêu đốt. Trước thềm một quán cơm bình dân ở chợ Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, một ông già mù ôm khư khư bọc quần áo và mấy cuộn dây thừng như đang chờ điều gì. Có khách trong quán thương tình mua cho hộp cơm. Ông già lắc đầu: “Tui không phải ăn xin...”.
Dứt lời, ông đứng lên lần đường rời khỏi quán. Đó là ông Lê Văn Hòa (sinh năm 1931), ngụ ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (Cần Thơ). 50 năm nay, ông già mù này đã nuôi mình và gia đình bằng nghề leo cây thuê.
Cuộc sống nhọc nhằn
Ông Hòa sinh ra trong gia đình đông con, nghèo khó. Cha mẹ gồng gánh quanh năm không đủ cho 6 anh em ăn học. Bước sang tuổi 15, cậu bé Hòa hứng chịu bất hạnh khi đôi mắt tự nhiên mờ dần rồi mù hẳn. Mọi thứ chỉ còn là bóng tối và Hòa phải tập làm quen với nó.
Khi thuộc đường đi trong nhà, Hòa nài nỉ cha dẫn đi giăng câu, thả lưới. Nhiều người trong xóm châm biếm: “Sáng mắt còn chưa kiếm được cá, huống chi đui mà bày đặt vẽ chuyện”. Rồi có người còn bảo cha mẹ Hòa cho đứa con trai mù ra chợ ăn xin. Nhưng Hòa từ chối quyết liệt: “Tôi chỉ bị mù mắt, chứ tay chân nguyên vẹn, còn lao động được mà đi ăn xin thì nhục lắm!”.
Làm nghề chài lưới được vài năm, Hòa theo cha mẹ chuyển sang giữ vườn mướn. Một lần nọ, cha Hòa bị ngã trọng thương trong lúc leo cây thuê. Gạt nỗi đau, Hòa muốn thay cha cáng đáng công việc, bèn xin cho mình thử leo cây. Mẹ Hòa can ngăn: “Mày có nhìn thấy gì đâu mà đòi trèo”. Nhưng quyết tâm đã giúp cậu bé mù làm được điều tưởng như không thể.
Ban đầu leo được hơn 2 m, Hòa muốn hụt hơi, tay chân bủn rủn. Nhưng nghĩ gia đình chỉ biết trông chờ vào nguồn sống này nên cậu bé mù đành cắn răng chịu đựng leo tiếp... Riết rồi quen cho đến tận bây giờ.
Ở miệt Bình Thủy - Long Tuyền, nhà vườn nào cần tỉa nhánh cây, cưa cây làm cột, xẻ ván đều tìm đến ông Tám mù. Có cây dừa già cao chót vót gần 20 m, thợ chào thua vì leo lên sợ ngọn yếu dễ ngã. Thế nhưng, hễ gặp ông Tám thì cây nào cũng “ngoan ngoãn chịu phép”. Điều lạ là trong 50 năm sống bằng nghề này, duy nhất một lần ông Tám bị người bạn vô tình kéo dây làm rớt xuống đất từ độ cao... 11 m. Nhưng ông chỉ bị... chết giấc một lát rồi tỉnh lại.
Không chỉ leo cây, các công việc như bổ củi, dọn dẹp vườn đều được ông già mù 75 tuổi làm rất rành rẽ. Ông Bảy Hạt, một “mối ruột” của ông Tám mù, nói: “Thấy hoàn cảnh anh Tám rất thương, mỗi khi cần tỉa nhánh cây là tôi nhờ anh làm. Mà anh làm kỹ lắm, giao việc là an tâm”.
50 năm làm nghề leo cây, đôi bàn tay to bè của ông với đầy nốt sần sùi, chai cứng và những vết trầy xước đã xóa đi đường chỉ tay. “Nhờ nó mà năm mươi năm qua tôi sống khỏe với cái nghề leo dừa mướn, tỉa nhánh cây, chặt củi”, ông Hòa cười nói.
Chuyện tình thăng hoa
Năm 18 tuổi, tuy mù lòa, nhưng Tám Hòa vẫn cưới được người vợ sáng mắt, xinh xắn. 2 năm sau, cô vợ trẻ đẹp bỏ người chồng mù lòa để chạy theo tiếng gọi của tình yêu nơi thị thành. Thất tình, Tám Hòa như người mất hồn, không làm ăn. Mấy tay lưới nằm... chèo queo trên giàn phơi. Nhưng ít lâu sau, ông lại... lọt vào “mắt xanh” của người phụ nữ khác đã mất chồng, có 3 con, tên Nguyễn Thị Tám.
Tình cờ trong một buổi đi làm cỏ, bà gặp ông đang đốn cây mướn. Thấy ông hì hụi vừa cột dây, cưa cây bạch đàn hơn 6 mét, bà mủi lòng đánh tiếng kéo phụ... Vậy là quen. Và cái duyên nợ đã gắn bó hai con người cùng cảnh nghèo. Bà Tám nhớ lại: “Hồi đó tôi dạn lắm. Tôi hỏi ông: Anh dám cho tôi đi theo phụ việc không? Tôi chỉ xin ít gạo đủ nuôi con thôi. Ngờ đâu, ổng gật đầu cái rụp...”.
Từ đó đến nay, người dân xứ Bình Thủy đã quá quen với cảnh đôi vợ chồng nghèo dắt tay nhau đi khắp các khu vườn tỉa nhánh, chặt cây, chẻ củi... Tình cảm thăng hoa của đôi vợ chồng này "kết trái" với 4 người con chung lần lượt chào đời trong mái tranh nghèo.
Hiện tất cả con chung, con riêng của vợ chồng ông Tám đều có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, ông bà quyết sống tự lập bằng nghề leo cây, không chịu nhận tiền cấp dưỡng từ con cái. “Mỗi ngày vợ chồng tôi kiếm được gần 50.000 đồng. Khi nào không leo cây được thì mới tính đến chuyện nhờ vả con", ông Tám vừa nói, vừa cười khà khà.
Theo Người Lao Động