1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Đặng Hùng Võ: “Chưa bao giờ ngại đụng chạm!”

(Dân trí) - Tin ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT ra <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/3/169452.vip">tự ứng cử</a> Đại biểu Quốc hội khóa XII được nhiều người dân quan tâm và kỳ vọng vào một đại biểu dám nói thẳng, nói thật, không e ngại bất cứ điều gì. Và sự tin tưởng của dân là một phần động lực thôi thúc ông đứng ra “lấy đá ghè vào chân mình”.

Không ngại chất vấn lại “sếp”

Xin ông cho biết lí do nào đã thôi thúc ông ra ứng cử vào Quốc hội?

Lý do thứ nhất, tôi đọc được bài viết của GS.Nguyễn Lân Dũng trên báo, cho rằng Quốc hội rất cần những người thẳng thắn, những người có tâm huyết, trí tuệ. Ông khuyến khích tôi ra ứng cử và nói tin rằng nhân dân sẽ bầu cho tôi. Có lẽ bài viết của GS Dũng là cái đập vào tư duy của tôi đầu tiên: chúng ta phải bỏ ý nghĩ chờ đợi sắp đặt nào đó mà phải chủ động nhiều hơn.

Thứ 2, thư từ, điện thoại từ người dân gửi đến cho tôi cũng nhiều, mong muốn tôi ra ứng cử để kí thác nhiều việc.

Thứ nữa, như người ta vẫn nói những người tuổi Tuất thường hay lấy đá ghè vào chân mình, âu cũng là số mệnh. Tôi nhận thấy, vấn đề đưa chính sách đất đai vào thực tế còn nhiều phức tạp, khó khăn. Và là người có kiến thức, có kinh nghiệm trong vấn đề này, tôi nghĩ cũng nên xác định một vị trí nào đó để tiếp tục sự nghiệp này.

Nhiều người hi vọng ông sẽ góp phần đưa vấn đề đất đai ở diễn đàn Quốc hội lên một tầm khác. Nhưng trong vấn đề đất đai, không chỉ có khía cạnh chính sách mà còn là những sai phạm, nóng bỏng liên quan đến nhiều cán bộ có chức vụ, quyền hạn lớn. Ông có ngại đụng chạm?

Không! Tôi thì chưa ngại đụng chạm vấn đề nào bao giờ. Đất đai hiện nay có 2 vấn đề mà có lẽ bất cứ người làm quản lí nào cũng phải suy nghĩ. Thứ nhất là tham nhũng đứng đầu bảng theo điều tra của Ban Nội chính. Thứ hai, độ minh bạch lại đứng cuối bảng theo điều tra của một vài tổ chức nước ngoài.

Tôi nghĩ, tất cả những người quản lý nên lấy đó là điều đáng xấu hổ và phải làm sao để ít nhất những chỉ số đó không còn được xếp hạng “xấu” như thế. Muốn rời khỏi 2 vị trí “đầu - cuối” đó thì mỗi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Thời gian vừa qua, ông là người trong cơ quan thực thi của Chính phủ, nhưng sắp tới, nếu đắc cử ông lại là người trong cơ quan có tính phản biện với Chính phủ. Vậy ông có ngại gì việc đụng chạm những người đồng nghiệp cũ, kể cả chất vấn Bộ trưởng TN-MT?

Tôi cho rằng Quốc hội nên tiếp thu những người đã từng làm việc ở Chính phủ bởi vì đó là những người hiểu rõ nhất cách triển khai của Chính phủ. Còn về việc “đụng chạm”, tôi cũng đã nói là tôi không ngại gì.

Ông không ngại chất vấn lại Bộ trưởng Bộ TN-MT, nhưng nếu người ta nói chính sách này đã có từ thời ông còn làm Thứ trưởng và chính ông cũng tham gia làm nên nó?

Theo tôi, quan trọng là cách thức hỏi và trả lời cũng như hai bên có thành tâm vì việc chung hay không. Nhiều khi có chuyện nổ ra việc này việc khác là do cách thức, trong lòng có điều gì đó chưa vừa ý nhau. Còn nếu cả hai đều thành tâm thì sẽ rất tốt. Còn nếu nói những việc đó có cả lỗi của tôi thì có thể đó là lỗi thật. Mà cũng có thể là thời điểm lúc đó chúng ta chưa làm được với nhau. Chuyện đó là bình thường. Việc có lỗi lúc này và sửa lỗi lúc khác cũng hoàn toàn bình thường. Tôi sẵn sàng tiếp thu và đó là cái tôi tin rằng mình có thể làm tốt hơn nhiều người khác.

Xấu trai như tôi, “đánh bóng” để làm gì?!

Dù chúng ta đã cải tiến rất nhiều nhưng tham nhũng đất đai vẫn chưa bớt. Đấy cũng là điểm mà tôi thấy mình có “tội”. Làm quản lý mà để tham nhũng đất đai đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng thì đúng là tội của mình. Nhưng làm gì để hạn chế, khắc phục thì vẫn chưa có cách nào thật hiệu quả.

 

Cùng đó, việc khiếu nại tố cáo của dân ngày một nhiều, một tràn lan, trong đó có cả nguyên nhân người dân chưa hiểu cũng như người dân bị thiệt thòi quyền lợi thật mà chúng ta vẫn chưa có biện pháp nào giải quyết cho hiệu quả… Nếu được phép thì tôi sẽ cố gắng làm nốt những gì mình có thể làm được.

Ông đã phác thảo gì cho cương lĩnh hành động của mình khi tiếp xúc, vận động cử tri?

Nếu đắc cử, trước hết tôi sẽ thực hiện tốt chức năng của Quốc hội, làm luật và giám sát việc thực thi pháp luật. Lấy tiêu chí là lĩnh vực pháp luật đất đai, tôi tin rằng cương lĩnh hành động của mình sẽ có đủ điều kiện, đủ địa bàn để hoạt động tốt, hiệu quả.

Với những kiến thức của mình ông có thể trực tiếp giúp người dân?

Tôi nghĩ là một trong những việc có thể làm cho người dân là qua tiếp xúc cử tri (gặp gỡ trực tiếp, thư từ…) mình có thể biết đó là sai hay đúng. Nếu người dân sai, tôi có thể khuyên người đó cầm đơn về và họ có thể sẽ không kiện nữa. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như thế và có người dân từng nói với tôi rằng “nếu ai cũng nói được như bác thì có phải tôi đã ở nhà từ lâu rồi”. Đó là một việc tôi cho rằng giúp làm giảm những bức xúc mà nhiều khi là bức xúc giả tạo. Còn những gì người dân bức xúc quyền lợi thật thì mình cũng có thể thấy được chứ không hẳn phải là qua 1 cái đơn gửi lên Chính phủ.

Mọi người đều nhìn nhận ở ông “ưu thế” về mảng đất đai. Vậy những mảng khác, lĩnh vực khác thì thế nào?

Tôi cũng nghĩ trước hết mình đã làm cái nào thì nên tập trung làm tốt cái đó. Tuy nhiên, ở những lĩnh vực khác tôi cũng tin mình có thể đóng góp được nhiều việc. Tôi đã có 12 năm giảng dạy đại học thì chắc cũng có thể tham gia một số việc về hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam. Tôi cũng đã từng làm nghiêm cứu khoa học 12 năm và có nhiều thành công nên cũng có thể giúp cho việc giám sát các chương trình khoa học lớn của Nhà nước. Tôi nghĩ cuộc đời mình đã có 3 “giáp” làm 3 việc: dạy học, nghiên cứu khoa học và làm quản lý Nhà nước, cụ thể là quản lý đất đai. Thôi thì cứ nói 3 việc đó, có lẽ cũng không đủ sức làm hết.

Những mục tiêu hành động của ông là rất hay. Vậy ông có cam kết gì về việc thực hiện những công việc đó nếu đắc cử?

Nếu nói là tôi không hành động thì chắc là nhiều người không tin vì ngay khi còn ở cương vị Thứ trưởng tôi đã hành động rất nhiều, thậm chí làm cho nhiều người phật ý rồi.

Nếu tự đánh giá, ông có thể nhận xét mình có thể trở thành ĐBQH theo môtíp nào hiện có? Chẳng hạn, sẽ giống như đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, Dương Trung Quốc…?

Tôi nghĩ, trước hết tôi phải là tôi cái đã. Học tập người khác thì cũng nên nhưng nếu nói là làm theo môtíp một người nào đó thì hiện tôi chưa có ý định.

Thời gian vừa qua ông xuất hiện rất nhiều trên báo chí. Có rất nhiều ý kiến hoan nghênh, ủng hộ ông về điều này, nhưng cũng lại có người cho rằng đó là cách ông tiếp thị, lobby hình ảnh cá nhân?

Tôi và Bộ trưởng Mai Ái Trực vẫn thống nhất với nhau, phải tận dụng nhiều nhất có thể báo chí để tuyên truyền phổ biến về pháp luật. Đấy chính là cách tuyên truyền không… tốn ngân sách. Báo chí “dùng” chúng tôi thì cũng bán chạy hơn - đó là lợi thế của chúng tôi mà báo chí dùng được. Cho nên phải nói đây là việc cả hai bên tận dụng lẫn nhau, chứ chúng tôi không có ý tận dụng việc đó để đánh bóng hình ảnh của mình. Tôi vốn là người xấu trai thế này thì cũng chẳng đánh bóng để làm gì (cười).

Cấn Cường - Phương Thảo
(Thực hiện)