1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ông bố 14 tuổi và đứa con mang bệnh hiểm nghèo

Năm 12 tuổi, A Mua gặp và yêu một cô gái hơn mình 4 tuổi. A Mua đòi cưới vợ, bố mẹ bảo “thích thì cho cưới”. Cưới nhau rồi A Mua cũng chẳng biết làm thế nào để… vợ chửa, phải nhờ bạn bè chỉ dẫn. Và A Mua có con khi mới 14 tuổi.

Ông bố 14 tuổi và đứa con mang bệnh hiểm nghèo  - 1
Sùng A Mua mới 14 tuổi nhưng đã rất ra dáng một ông bố.
 
Mối tình lãng mạn của cậu bé tuổi 12

 

Cậu bé Sùng A Mua, người dân tộc Mông, sinh ra ở một bản làng cách Hà Nội hơn 300km - Bản Pắc Bệ C, Suối To, huyện Phù Yên, Sơn La. Sùng A Mua cũng được đi học, nhưng nhà cách trường 20 km, cậu phải đi bộ đến trường với túi gạo, ngô trên lưng, cuối tuần lại đi bộ về nhà. Nhà nghèo, lại còn hai em nhỏ cũng đang theo học cần phải lo ăn. Bố mẹ đành cho cậu nghỉ khi A Mua đang học lớp 5.

 

Vào dịp Tết cách đây 2 năm (khi ấy A Mua mới 12 tuổi), cậu đi bộ đến nhà ông bà ngoại tại một bản cách nhà cậu khoảng 12 km. Trong lúc chơi trò ném bóng với trẻ con trong bản, cậu làm quen với một cô gái hơn cậu 4 tuổi. Đó là Mùa Thị Chu, vợ A Mua bây giờ. Nói chuyện thấy thích, em liền rủ Chu vào rừng chơi. Cô gái cũng thích A Mua nên tặng cho cậu một chiếc áo làm tin.

 

Sau đó, cứ 3 ngày một lần, A Mua lại vượt đèo, lội suối đi bộ 12km đường rừng để đến thăm bạn gái. “Về nhà, em bảo bố mẹ là muốn cưới vợ. Bố mẹ bảo, thích thì cho cưới. Bố mẹ cô ấy cũng không phản đối gì. Thế là một tháng sau, em lấy vợ” - A Mua kể.

 

A Mua kể, ở quê cậu, con trai 12 - 13 tuổi đã bắt đầu rủ nhau đi tìm vợ. Thường thì lấy người nhiều tuổi hơn để về còn làm nương giúp gia đình, và bao giờ cũng là người ở bản khác vì người cùng bản ở đây không lấy nhau. “Thế có ai bảo em là không được lấy vợ trước 18 tuổi không? - tôi hỏi. “Không, chẳng có ai bảo gì, cũng chẳng ai cấm. Thích thì lấy thôi” - A Mua hồn nhiên trả lời.

 

Cũng như phần lớn con gái ở vùng này, vợ cậu không đi học, không biết chữ và không biết nói tiếng Kinh. A Mua cũng dạy vợ nhưng học mãi mà vợ vẫn không nói được, tuy nghe thì vẫn hiểu.

 

Cả hai gia đình đều nghèo lắm, nên cả khi ăn hỏi, rồi đám cưới, nhà trai không phải mang theo thứ gì cho nhà gái. Hôm cưới, cô dâu mang theo về nhà chồng một cái tủ gỗ nhỏ. Vợ chồng cậu ở chung với bố mẹ. Căn nhà nhỏ làm bằng gỗ lấy ở trong rừng, mái làm bằng tấm lợp được mua bằng tiền vay của nhà nước.

 

Chợ cách nhà rất xa, đi bộ từ sáng tới trưa mới tới, mua chút gì đó rồi quay trở về đến nhà là trời tối. Nhưng cũng hãn hữu lắm, mọi người trong bản cậu mới đi chợ, vì họ không có tiền.

 

Hàng ngày, hai vợ chồng cậu cùng lên nương chăm sóc đám ngô. Ở đây, thu nhập chủ yếu là từ ngô vì nước rất hiếm, lúa và các loại rau màu khó mọc. Đi lấy nước sinh hoạt cũng phải hàng cây số mới tới suối. Mặc dù ở miền núi, nhưng bây giờ người cũng đông, đất ít lắm nên ngô cũng không trồng được nhiều. “Bản em đã có điện, nhưng trong nhà em chẳng có gì, chỉ có cái giường để ngủ thôi. Đói ăn lắm, bố mẹ em cũng hay phải đi vay mượn của mọi người để gia đình có thể sống qua ngày” - A Mua kể.

 

Và đứa con tội nghiệp

 

Khi lấy nhau, cả hai đều chưa biết “làm thế nào” để có con. “Sau một năm lấy nhau mà chưa có gì, bạn bè em mới mách phải làm thế này… thế này… mới có con, thế là chúng em làm theo” - A Mua ngượng ngùng, bẽn lẽn kể. Rồi niềm hạnh phúc được làm cha của cậu bé 14 tuổi cũng đã đến. Bé Sùng A Súa ra đời đúng vào ngày Tết dương lịch vừa qua (1/1/2009).

 

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tầy gang. Từ lúc sinh ra cho tới lúc được 7 ngày tuổi, bé A Súa không đi ngoài được, quấy khóc và yếu dần. Gia đình đưa bé đến bệnh viện Phù Yên. Ngay sau đó, xe cấp cứu của bệnh viện đưa vợ chồng và con trai cậu xuống bệnh viện Nhi Trung ương.

 

Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hoàn, cháu bé nhập viện ngày 8/1 trong tình trạng suy kiệt, chỉ nặng 2kg (lúc mới sinh bé nặng 2,6kg). Các bác sĩ chẩn đóan cháu bị bệnh tắc tá tràng. Ngày 10/1, ca mổ được tiến hành để khâu nối tá tràng. Tuy nhiên, 2 tuần sau mổ bệnh vẫn tiến triển không tốt, vẫn có biểu hiện tắc ruột. Lúc này, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tắc ruột sau mổ do hẹp miệng nối. Đây là nguy cơ chính thường xuất hiện sau mổ. Ngày 24/1, cháu bé được mổ lần thứ 2.

 

Sau mổ, bé vẫn hầu như không ăn uống được gì vì vẫn còn nôn và đi ngoài rất ít. Bé chủ yếu được nuôi qua đường tĩnh mạch. Do vẫn không lưu thông tiêu hóa được hoàn toàn vì bị tắc bán phần, ngày 9/2, bé A Súa được mổ lần thứ 3. Khi mổ, các bác sĩ phát hiện miệng nối không còn bị hẹp như lúc đầu nên phán đoán cháu có khả năng bị nhu động ruột kém do yếu tố thần kinh.

 

Hiện bé A Súa đang được điều trị nội khoa và nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch là chủ yếu để nâng cao thể trạng, tuy nhiên, tính mạng cháu cũng rất mong manh.

 

Đêm đêm, vợ ngồi bế con cho chồng ngủ. A Mua vẫn đang tuổi ăn tuổi ngủ nhưng đã ra dáng một ông bố lắm. Chỉ cần nghe tiếng vợ gọi là cậu bật dậy ngay. Cần gì, gọi bác sĩ nào Chu cũng gọi chồng vì cô không biết nói tiếng Kinh. “Ấy vậy mà cậu bé dẻo dai lắm. Gần 2 tháng ở bệnh viện với con, ăn uống kham khổ, thức đêm thức hôm, thế mà cậu ấy trông vẫn nhanh nhẹn” - mọi người cùng phòng nhận xét.

 

Nhìn đôi vợ chồng trẻ với đứa con teo tóp chỉ còn nặng chưa đầy 2kg, không ai có thể cầm lòng. Theo lời kể của A Mua, lúc đưa bé A Súa đi bệnh viện, ông bà nội chạy vạy khắp nơi mới vay được 2 triệu đồng. Trả tiền xe cấp cứu mất 700 nghìn, số tiền còn lại, vợ chồng con cái tiêu pha suốt gần hai tháng qua nên nay chẳng còn gì. Hai vợ chồng A Mua bữa ăn, bữa nhịn. Khi thì được người nhà của bệnh nhân cùng khoa cho tiền, lúc thì họ cho cái bánh mì ăn cầm hơi.

 

Mẹ bé không được ăn uống đầy đủ nên không có sữa cho con bú. Bé ngày càng suy kiệt. Sáng 24/2, bác sĩ Nguyễn Văn Linh, người điều trị chính cho cháu bé thấy xót ruột nên đã lấy tiền túi đưa cho bố bé mua một hộp sữa bột. “Hôm nay cháu bé ăn được chút ít, lại không thấy nôn. Hy vọng là tình trạng bé sẽ khá hơn khi được ăn đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, bố mẹ cháu hiện chẳng có đồng nào” - bác sĩ Linh cho biết.

 

Theo bác sĩ Linh, cháu bé có thể sinh thiếu tháng (vì bố mẹ không biết lúc sinh bé được mấy tháng tuổi thai), cộng thêm việc bé được thụ thai khi bố còn quá ít tuổi, chưa trưỏng thành nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

Các bác sĩ ở đây cũng cho biết, trường hợp này đặc biệt, vì mẹ không nói được tiếng Kinh nên bệnh viện đã ưu tiên cho cả hai bố mẹ cùng ở lại để chăm sóc con. Các loại thuốc tốt nhất, những kỹ thuật tiên tiến nhất cũng đã được bệnh viện áp dụng. Tuy nhiên, việc cháu bé có qua khỏi được căn bệnh hiểm nghèo này hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng tự phục hồi của cháu.

 

Theo Tuệ Khanh

VnMedia