(Dân trí) - "Ông ấy là cán bộ hưu trí, từng đi chiến tranh, được tặng Huân chương kháng chiến. Ông ấy từng đi chiến tranh rồi quay về, nhưng lần này ông ấy đi rồi không về nữa", bà Mười chua xót.
"Ông ấy từng đi chiến tranh rồi quay về, nhưng lần này đi rồi không về nữa"
(Dân trí) - Trong khoảng thời gian đau thương nhất, TPHCM chứng kiến hàng nghìn người không có người thân bên cạnh trong những giây cuối đời, những đám tang trong vội vã, những sự bất lực đến từ cả thân nhân lẫn đội ngũ y tế trước cơn càn quét của đại dịch. Biết bao chuyến xe của cuộc đời đã dừng lại theo cách chẳng ai mong muốn…
"Hôm nay, mọi người tổ chức lễ tưởng niệm cho em, cùng những ai vì Covid-19 mà chưa được gặp gia đình lần cuối. Tôi đi cùng tới đó, mong em thanh thản, yên lòng", ông Trần Ngọc Vinh (50 tuổi) lặng lẽ thắp nén nhang lên bàn thờ cho người vợ trước khi tới Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM).
Sống với nhau vài thập kỷ, chẳng biết từ bao giờ, ông Vinh cùng vợ đã quen gọi nhau bằng "ông", "bà". Nhưng từ khi bà Sương qua đời, ông Vinh trở lại cách xưng hô thời 2 người còn trẻ, mỗi khi thắp nhang tâm sự, với mong muốn và niềm tin vợ mình sẽ cảm thấy ấm lòng hơn.
Tôi không nghĩ đó là lần chuẩn bị đồ cuối cùng cho vợ
Chọn một góc xa tại Hội trường Thống Nhất, đôi mắt ông Vinh đỏ hoe khi màn hình lớn chiếu đến cảnh bệnh nhân Covid-19 đang trải qua cơn nguy kịch. Người đàn ông trung niên giữ chặt ly nến thơm bằng hai tay, cố che chắn mỗi lần có gió để khỏi tắt.
Ông Vinh vẫn nhớ cái ngày cách đây hơn 3 tháng, khi phường Bến Thành, nơi hai vợ chồng già sinh sống, bỗng xuất hiện ổ dịch. Sau khi lực lượng y tế xét nghiệm tầm soát, bà Sương đã dương tính với SARS-CoV-2, còn ông may mắn hơn khi có kết quả âm tính.
"Sau khi có kết quả, bà ấy ở nhà thêm một ngày rồi vào Bệnh viện Dã chiến số 6 ngày 15/8. Con cháu đều ở nơi khác, lúc đó chỉ có hai vợ chồng", ông Vinh kể lại.
Ngày bà Sương nhập viện, ông Vinh vẫn tận tay nấu cho vợ bữa cơm cuối ở nhà, tự tay chuẩn bị đồ đạc để bà có thêm thời gian nghỉ ngơi. Ông tin rằng, vợ mình còn khỏe, chỉ cần vào theo dõi vài ngày để kết quả âm tính trở lại…
"Lúc đi bà ấy còn khỏe lắm. Tối hôm đó, khi gọi điện hỏi thăm, bà ấy còn khoe được nằm ghế lớn, phòng thoáng mát. Cháu ruột tôi cũng dương tính, được xếp cùng phòng nên an tâm có người chăm lo", người đàn ông hồi tưởng.
17h chiều 16/8, ông Vinh nhận điện thoại từ người cháu, bà Sương không ăn uống được từ hồi trưa, sức lực đã cạn kiệt, dù bà còn tỉnh táo, có thể ngồi dậy nhưng vô cùng mệt mỏi. Tâm trạng lo lắng bắt đầu xuất hiện, ông Vinh chỉ biết hy vọng, liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình và những suy nghĩ tiêu cực kéo đến khi vợ mình không mấy biến chuyển.
Đêm cùng ngày, người cháu gọi video để ông có thể nhìn thấy bà. Lần này, bà Sương đã rất yếu, không thể ngồi dậy. Qua màn hình điện thoại, ông Vinh thấy rõ, hộp đồ ăn trên bàn vẫn còn nguyên, chưa đụng tới.
"Nhìn vợ khoảng 15 phút thì tôi thấy có bác sĩ hỏi thăm sức khỏe rồi chuyển bà ấy sang nơi khác để khám, đo các chỉ số. Một lúc sau, cháu tôi nói bà được chuyển đi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, từ đó không thấy gọi gì thêm", ông Vinh chia sẻ.
Sau cuộc gọi này, nỗi lo sợ đại dịch Covid-19 cướp đi người thân yêu ngày càng rõ nét, ông Vinh trải qua một trong những đêm dài nhất của cuộc đời. Sau một đêm không ngủ, ông nhận tin vợ mình đã qua đời vào 9h sáng 17/8.
"Đột ngột, đau lòng, vội vã" là những điều ông Vinh nhớ lại 3 ngày, khi đại dịch quái ác lấy đi sinh mạng người vợ đã gắn bó với mình nửa đời người. Căn nhà vốn đầy ắp tiếng nói cười, nay chỉ còn lời tâm sự của ông với di ảnh người vợ quá cố.
Kết thúc buổi lễ tưởng niệm, ông Vinh cố nán lại, lặng lẽ đặt ly nến giữ chặt trong tay xuống thảm cỏ. Gửi gắm những điều từ tận đáy lòng một hồi lâu, rồi quay trở lại căn nhà với lòng tin vợ mình cùng nhiều người khác đã được an ủi phần nào.
Ông ấy từng quay về sau chiến tranh nhưng lần này thì không…
Cố gắng giữ bình tĩnh khi nhắc về chồng mình, nhưng bà Trần Thị Mười (60 tuổi) vẫn còn nguyên vẹn nỗi đau ấy sau 10 tuần mất đi người thân. Những lời tâm sự ngắt quãng được chia sẻ qua từng tiếng nấc, từng dòng nước mắt không ngừng rơi.
"Ông ấy là cán bộ hưu trí, từng đi chiến tranh, được tặng Huân chương kháng chiến. Ông ấy từng đi chiến tranh rồi quay về, nhưng lần này ông ấy đi rồi không về nữa", bà Mười chua xót.
Bà Mười nhớ lại, ngày 1/9, gần như toàn bộ người trong xóm, nơi bà ở đều mắc Covid-19. Dù hầu như chỉ ở nhà, ông Dư (chồng bà) cùng toàn bộ người trong gia đình đều dương tính SARS-CoV-2 mà không rõ nguồn lây từ đâu.
"Khi phát hiện mắc Covid-19, tôi không có nhiều triệu chứng do đã tiêm một mũi vaccine. Tôi cũng đã làm cam kết với phường sẽ không ra khỏi nhà, để có thể ở cạnh và chăm sóc ông ấy", bà quả phụ tâm sự.
Khi ông Dư có triệu chứng khó thở, gia đình đã chuẩn bị bình oxy để sử dụng tại nhà nhưng tình hình không chuyển biến. Sau 5 ngày điều trị tại nhà, thăm khám từ xa không có hiệu quả, chồng bà Mười được chuyển tới bệnh viện Nhân dân 115.
"Ông ấy thở không được, cả đêm không ngủ. Có những lúc, ông ấy yếu đến mức tôi tưởng mất ông ấy rồi, và giữ suy nghĩ rằng nếu ông ấy mất ở nhà sẽ được ở gần người thân. Nhưng rồi, cả nhà quyết định để ông nhập viện, nếu ông ấy mất ở nhà, trước mặt mình, tôi sẽ không chịu nổi", bà Mười nấc lên khi nhớ lại quãng thời gian hoảng loạn vì chỉ muốn được ở gần chồng mình.
Sau khi nhập viện 4 ngày, ông Dư trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12/9. Suốt quãng thời gian đó, bà Mười không thể gặp, cũng không thể chuyện trò lần cuối với chồng mình.
"Một tuần sau khi ông ấy mất, quân đội đưa ông ấy về nhà. Mới có chục ngày ông ấy xa nhà, lúc gặp lại chỉ còn là hũ tro, cốt. Đau lòng lắm", bà Mười không kìm được dòng nước mắt.
Khi nghĩ lại mọi chuyện, bà Mười day dứt, bởi lo lắng ông bị bệnh gan, tiểu đường hơn 10 năm, nên bà cùng gia đình chưa để ông tiêm vaccine Covid-19. Đến cả bây giờ, bà vẫn tự dằn vặt mình, nếu ngày đó, đồng ý để ông tiêm vaccine, mọi chuyện bây giờ có thể đã khác…
"Ông ấy hiền lắm, tôi vẫn nhớ những hình ảnh của ông ấy, tới bữa cúng cơm vẫn khóc. Tôi bị thoát vị đĩa đệm, các con khuyên nên ở nhà theo dõi lễ tưởng niệm qua tivi, nhưng tôi muốn tới đây, để cùng mọi người tiễn ông, cũng để lòng tôi thêm bình yên", người phụ nữ nghẹn ngào.
Những chuyến xe cuối cùng chung một hoàn cảnh
Trước thời khắc đồng bào cả nước dành phút tưởng niệm cho những người đã mất vì dịch Covid-19, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chia sẻ, trong dịch bệnh quá ác liệt, nhiều người khi mất còn chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân, đồng đội, đồng chí.
Đại dịch cũng cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng báo, cán bộ, chiến sĩ. Có những nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" mà không có người thân bên cạnh, không một lời trăng trối.
Đại dịch tàn ác cũng đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm, để lại cảnh cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ. Dịch Covid-19 cũng khiến hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời.
Hơn 23.000 sinh mạng đã mất theo con số thống kê chính thức. Trong đó, Sài Gòn, nơi tâm điểm của đại dịch chứng kiến chứng kiến sự ra đi của hơn 17.000 người. Người đã mất sẽ thôi đau đớn, nhưng những tổn thất về tinh thần, sự day dứt, tiếc nuối của người ở lại có lẽ lớn hơn gấp nhiều lần con số vô hồn kia.
Bà Sương, ông Dư - những nhân vật được nhắc tới trong bài, cùng những nạn nhân tử vong vì Covid-19 tại TPHCM dù có những câu chuyện khác nhau, nhưng đã đi "chuyến xe cuối cùng trở về nhà" trong cùng một hoàn cảnh. Với những sự tận tâm, chu toàn nhất có thể, các chiến sĩ quân đội đã và sẽ tiếp tục tiễn đưa họ về với vòng tay gia đình.
Trong tiếng nhạc hồn tử sĩ, người dân TPHCM cùng cả nước bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc trước những nỗi đau tột cùng của thân nhân, gia đình có người qua đời vì Covid-19 và một lần nữa thấu hiểu những hậu quả to lớn mà virus SARS-CoV-2 mang lại.
Đại dịch Covid-19 chưa dừng lại, những tổn thất về sinh mạng có thể vẫn tiếp tục lớn lên, nhưng với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả dân tộc, ngày đất nước kiểm soát hiệu quả được dịch bệnh chắc chắn sẽ không còn xa.