1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ô nhiễm ở làng đá mỹ nghệ

(Dân trí) - Đã từ lâu, làng điêu khắc đã mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nổi tiếng trong cả nước bởi những tác phẩm mỹ nghệ hết sức tinh xảo. Song, cùng với sự phát triển của làng nghề, người dân nơi đây đang phải đối mặt với những ẩn họa có thể đến bất cứ lúc nào do ô nhiễm môi trường.

Trước đây, nếu như mọi công đoạn sản xuất đều được làm thủ công, bằng đôi  tay khéo léo của người thợ, thì nay, để đáp ứng nhu cầu đặt hàng ngày càng nhiều, người thợ đã  sử dụng acid loãng trong quá trình tẩy rửa, mài và làm bóng sản phẩm. “Công nghệ” này một mặt vừa rút ngắn thời gian cho ra lò một sản phẩm, vừa làm cho sản phẩm có độ bóng và đẹp hơn nên càng ngày càng có nhiều người sử dụng.

 

Acid thường được pha với  nước lạnh. Trong quá trình chế tác, người thợ sẽ xối loại acid này lên sản phẩm, sau đó dùng giấy nhám mịn đánh bóng. Trông thấy những đám bọt acid trôi lênh láng khắp xưởng mà không khỏi giật mình. Kinh hoàng hơn khi nghĩ rằng lượng acid đó sẽ ngấm dần xuống lòng đất, thẩm thấu vào nguồn nước sinh hoạt.

 

Chị Lê Thị Nhàn, một người thợ làm công, cho biết: So với việc chỉ dùng nước lạnh để đánh bóng như ngày trước thì với acid, độ bóng đã đẹp hơn nhiều. Đổi lại, tay chân người thợ đầy vết lở loét do không sử dụng găng tay bảo vệ.

 

Ông Trần Hưng, một thợ điêu khắc đá, nói: “Chúng tôi vẫn biết dùng acid tẩy rửa sẽ rất có hại, gây ô nhiễm cho nước sinh hoạt, nhưng nhu cầu sản xuất cấp bách quá nên phải tiếp tục như vậy thôi. Hàng thì nhiều, nếu kéo dài công đoạn đánh bóng sẽ không kịp cung cấp cho thị trường, sẽ mất bạn hàng ngay”.

 

Cũng theo những thợ điêu khắc đá, chưa có trường hợp nào ở đây phải nhập viện khi dùng acid nhưng phần đông phụ nữ làm công việc này đều có hiện tượng acid ăn mòn ở những ngón tay.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay làng nghề có hơn hai trăm cơ sở sản xuất cùng hàng ngàn người thợ. Như vậy, mỗi năm làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước tiêu thụ không dưới 20.000 lít acid. Tính sơ sơ, mỗi năm đã có hàng chục ngàn lít acid “vô tư” ngấm vào lòng đất, nguồn nước.

 

Trước tình hình đó, các ngành liên quan đã có phương án thí điểm đưa ra một quy trình xử lý nước thải khép kín cho mỗi cơ sở, nhưng cách này xem ra chưa hiệu quả. Đơn giản vì theo nhiều người dân “việc đó đòi hỏi phải tốn thêm chi phí, làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm”.

 

Từ ngoài đường Ngũ Hành Sơn đến trung tâm của làng nghề điêu khắc đá Non Nước trên đường Huyền Trân Công Chúa, nơi nào cũng trông thấy cảnh bụi bay mù trời hòa lẫn với tiếng xoen xoét của máy cưa đá và thoang thoảng mùi acid. UBND phường Hòa Hải đã phản ánh thực tế trên lên quận, quận cũng đề xuất với thành phố cho quy hoạch cụ thể làng nghề điêu khắc đá với nơi sản xuất tập trung riêng, nơi buôn bán riêng.

 

Dự án này đã được phê duyệt từ năm 2003 nhưng thực chất chưa phát huy hiệu quả. Việc người dân dùng acid đánh bóng sản phẩm tuy độc hại và nguy hiểm nhưng chính quyền cũng chỉ biết tuyên truyền, khuyến cáo. Người thợ vì lợi nhuận thì biết có hại cho sức khỏe vẫn cứ làm.

 

Lê Tấn Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm