1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nam:

Ô nhiễm, bệnh tật bủa vây “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc

(Dân trí) - Nhờ nuôi lợn mà kinh tế của người dân xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục cũng phất lên trông thấy. Nhưng cũng vì nuôi lợn mà người dân nơi đây đang phải gồng mình chống chọi lại nạn ô nhiễm và nỗi lo ung thư.

Ô nhiễm, ung thư bủa vây “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc

 

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục được xem là "thủ phủ" nuôi lợn cung cấp lợn thịt cho nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Cách đây hơn chục năm, Ngọc Lũ bị coi là điểm nóng ma túy, ma túy như cơn bão càn quét qua khiến nhiều gia đình tan nát…Trong mớ bộn bề, hỗn độn, Ngọc Lũ quyết tâm xây dựng và vực dậy nền kinh tế đang “héo hon”.

a1-1441368839680

Nước thải từ khu chăn nuôi lợn xả ra ngoài các kênh mương nổi bọt trắng xóa

Từ mô hình chăn nuôi lợn phát triển của những hộ dân ban đầu, người dân Ngọc Lũ bắt đầu mở chuồng trại chăn nuôi, làm giàu từ lợn. Cũng chính nhờ chăn nuôi lợn mà kinh tế của người dân nơi đây mỗi ngày một phát triển, từ những người dân nghèo, Ngọc Lũ bây giờ cũng chẳng thiếu “tỷ phú nông dân”. Theo thống kê, hiện nay xã Ngọc Lũ có hơn 2.000 hộ dân thì có khoảng 1.500 hộ nuôi lợn.

Nhưng đằng sau việc phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi lợn ấy, người dân xã Ngọc Lũ đang chống chọi lại với ô nhiễm môi trường và những căn bệnh ung thư gieo mầm họa khắp nơi.

Ngay từ con đường đi vào Ngọc Lũ đã bốc mùi hôi thối bởi phân, chất thải từ hàng chục ngàn con lợn thải ra môi trường. Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các hộ gia đình chăn nuôi đều nuôi vài chục con trở lên, nhà nào ít cũng nuôi tầm 20 con, nhà nhiều đến hơn trăm con.

a2-1441368839619
Từ các kênh mương, nước thải chảy ra ngoài đồng ruộng và sông Châu Giang

Đến Ngọc Lũ, khắp các rãnh, mương nước, ao, hồ đều có màu vàng đục, xanh và bốc mùi hồi thối nồng nặc. Nếu muốn sạch thì chỉ còn cách bỏ chăn nuôi lợn, nhưng nếu bỏ nuôi lợn thì họ chẳng biết làm việc gì. Người dân ngao ngán, nhưng cũng hết cách, họ đành gồng mình sống chung với ô nhiễm

Mỗi ngày, hàng trăm trang trại chăn nuôi tại xã Ngọc Lũ  thải hàng nghìn khối nước và hàng trăm tấn chất thải ra môi trường. Từ đầu đến cuối xã, đâu đâu cũng thấy mương máng, ao chuông đen ngòm. Chất thải đổ ra kênh ngay trong khu dân cư, chảy ra những cánh đồng hoa màu gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước. Khi kênh mương quá tải thì cả nghìn khối chất thải ô nhiễm này lại đổ ra dòng sông Châu, nơi có khoảng 20.000 hộ dân ven sông sinh sống.

Không chỉ sống chung với ô nhiễm nặng nề, theo một số người dân xã Ngọc Lũ, hiện nay trên địa bàn xã có rất nhiều người bị căn bệnh ung thư. Mỗi năm, trung bình có khoảng 7 đến 8 người chết vì ung thư. Dù không khẳng định mầm bệnh ung thư bắt đầu từ đâu, nhưng họ cũng nghi ngờ một phần từ việc ô nhiễm môi trường ở nơi đây.

a4-1441368839654

Nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, bèo mọc kín.

Theo bà Trần Thị Phương, Trưởng trạm Y tế xã Ngọc Lũ cho biết: “Trong năm 2015 trên địa bàn xã Ngọc Lũ có khoảng 5 đến 6 người đang điều tri ung thư, có 6 người đã tử vong vì ung thư. Trung bình mỗi năm ở Ngọc Lũ có 7 đến 8 người chết vì ung thư. Cao điểm nhất là vào năm 2013 có 11 người chết”.

Tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Phương (37 tuổi), ở thôn 3, xã Ngọc Lũ. Chị Phương vốn quê ở Nghệ An, chị lấy chồng về đây từ 17 năm trước. Hiện chồng chị là anh Nguyễn Văn Cảnh (40 tuổi), bị ung thư máu, còn mẹ chồng chị bị ung thư phổi.

Chị Phương tâm sự: “Nhà tôi 2 người mang bệnh ung thư, chỉ một mình tôi đứng ra cáng đáng. Sức khỏe của chồng và mẹ chồng tôi ngày một yếu, không biết trụ được đến bao giờ đây. Mà ở xã tôi nhiều người chết vì ung thư lắm rồi. Chú bảo, cả ngày ngửi thấy mùi hôi thối, nước giếng cũng màu vàng lại có mùi thum thủm sống sao cho khỏe được. May mà được dùng nước máy sạch của nhà máy, chứ nếu dùng nước giếng thì không biết thế nào. Sau này, chắc chắn tôi sẽ đưa các con tôi về quê ngoại sinh sống, chứ ở đây không chịu nổi”.

 

a3-1441368839637
Bà Trần Thị Phương, Trưởng trạm Y tế xã Ngọc Lũ

Ông Trần Đình Thiện, Phó chủ tịch UBND Ngọc Lũ cho biết: “Đa số các hộ chăn nuôi đều có làm hầm biogas, nhưng mỗi hầm chỉ 25-30 m3. Với dung tích này, hầm chỉ giải quyết chất thải cho đàn lợn 20-30 con. Phần lớn phân, nước thải còn lại cho ra môi trường. Chúng tôi cũng có một nhà máy xử lý nước thải, do Tổng Cục môi trường xây dựng với kinh phí lên tới 7 tỷ đồng. Tuy nhiên theo tính toán, công trình này cũng chỉ giải quyết được nhu cầu của khoảng 200 hộ so với gần 1.500 hộ chăn nuôi tại đây”.

Cũng theo phản ánh của người dân, nhiều diện tích đất cấy lúa phải bỏ hoang vì ô nhiễm trầm trọng, người dân không thể cấy lúa. Nhiều mảnh ruộng bèo, rau muống mọc um tùm.

Ông Thiện cũng cho biết thêm, xã liên tục kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh, đồng thời huy động khơi thông dòng chảy các kênh, nương…Nhưng hiện nay việc ô nhiễm môi trường ở Ngọc Lũ vẫn ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều người dân không chăn nuôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Đức Văn