Phú Yên:
Ồ ạt vào rừng “xí phần”… cổ thụ
Cây rừng quý dọc các con suối ở rừng Phú Yên đang bị tàn sát bởi nạn săn lùng cổ thụ. Những cây thuộc “hàng độc” trị giá hàng trăm triệu đồng được “chủ nhân” của chúng khắc sơn đỏ và ghi cả số điện thoại để khẳng định “chủ quyền”.
Những người ngang nhiên “xí phần” cổ thụ nói trên là một dạng “lâm tặc” mới ở Phú Yên. Ai muốn mua cổ thụ sẽ được chào hàng, thậm chí được dẫn vào tận… rừng xem hàng. Sau khi ngã giá xong, lâm tặc sẽ chịu trách nhiệm bứng cây, đưa ra khỏi rừng.
Cổ thụ rừng sâu bỗng dưng “có chủ”
Vào sâu, đến các cánh rừng thuộc địa bàn giáp ranh hai xã Ea Bar và Ea Lâm (huyện Sông Hinh), dọc suối Trại Bò, chỉ khoảng 3km đi bộ, chúng tôi thấy hàng chục gốc cây cổ thụ có tuổi thọ trên dưới trăm năm cũng đã bị bứng gốc.
Trong khi đó, những cây xanh có đường kính tương đối lớn còn sót lại như lộc vừng, sanh, si và một số khác mà dân chơi cây cảnh ưa chuộng cũng đều bị đánh dấu bằng sơn đỏ, thể hiện chủ quyền “bất khả xâm phạm”.
Hưng cho biết, tình trạng làm dấu bằng cách sơn lên cây để “xí phần” đang diễn ra rầm rộ. Những cây thuộc “hàng độc” có giá trị hàng trăm triệu đồng còn được giới lâm tặc sơn cả tên và số điện thoại lên thân.
“Thủ tục” hạ sơn
Hưng cho biết, để đưa cây ra khỏi rừng, lâm tặc thường sử dụng chiêu “thí tốt, bắt xe”. Tức là cố tình để kiểm lâm bắt giữ, sau đó sẽ mua lại hàng thanh lý để có đầy đủ thủ tục vận chuyển đưa cây đi tiêu thụ…
Mới nghe qua thấy vô lý, nhưng khi tìm hiểu mới biết đây là một chiêu lách luật của lâm tặc. Bởi lẽ trong Nghị định 99/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, tại điều 43 có nêu, đối với tang vật là lâm sản còn tươi không thuộc nhóm IA thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay theo giá quy định… Trường hợp người vi phạm tự nguyện nộp tiền bằng giá trị lâm sản tịch thu thì người có thẩm quyền xử phạt thu tiền, nộp kho bạc nhà nước và giao lại lâm sản bị tịch thu…
Thực tế, nhiều cây xanh khi đưa ra hội đồng định giá khoảng vài triệu, nhưng giá trị cây cảnh thuộc dạng “hàng độc” giá trên thị trường có khi cả trăm triệu đồng. Vì kiểng cổ thụ có giá trị cao nên cả tiền chi phí khai thác, vận chuyển và nộp phạt cộng lại cũng chẳng thấm thía gì so với lợi nhuận mà lâm tặc kiếm được.
Ông Trần Duy Tấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh, nhìn nhận: “Tình trạng khai thác cây rừng làm kiểng đang diễn ra khá phức tạp. Bọn lâm tặc bất chấp sự kiểm soát gắt gao của lực lượng kiểm lâm và lực lượng liên ngành, chúng vẫn lén lút khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép. Thực trạng này hiện đã tạm lắng, song ngành vẫn liên tục tăng cường tuần tra, truy quét, không để tái diễn”.
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề lâm tặc dùng chiêu “thí tốt, bắt xe” ông Tấn, nói: “Để hạn chế tình trạng lợi dụng việc bán ngay lâm sản còn tươi sau khi bắt, hiện nay chúng tôi tổ chức thuê người chăm sóc, sau một thời gian sẽ bán đấu giá…”.