1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nuôi cá ngàn đô ở Kon Plông

Tây Nguyên mùa mưa. Con đường đến các buôn làng trơn nhẫy, xa lắc. Thời tiết này, ở các làng xa chẳng ai buồn ra khỏi nhà. Nhưng ở một nơi xa lắc như xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nhiều người đang quên thời gian, ăn ngủ cùng với những con cá tầm quý giá.

Theo giá thị trường hiện nay, mỗi kg trứng cá tầm giá trên dưới 1.500 USD. Và với môi trường thiên nhiên thích hợp, Kon Plông đang và sẽ là nơi ít ỏi ở Việt Nam nuôi được cá tầm thương phẩm.

 

Bí thư Huyện ủy Kon Plông Nguyễn Đức Tuy khấp khởi: “Cùng với khu nghỉ mát Măng Đen và nhiều loại đặc sản khác, nay thêm cá tầm, nơi đây sẽ tạo nên một phong vị đặc trưng nữa ở Tây Nguyên”.

 

Đất lành cho cá quý

 

Cách đây 3 năm, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, nghi ngờ khi có nhà đầu tư hiện diện ở Kon Plông, cam kết bỏ ra trên 30 tỉ đồng nuôi cá tầm. Cùng với thời gian, loài cá quý giá này ở tận xứ lạnh Siberia đã thích nghi với vùng đất mới. Tận mắt nhìn hàng đàn cá tầm, mỗi con nặng trên 4 kg sinh trưởng khỏe mạnh, nhà đầu tư lẫn khách tham quan đều mãn nhãn.

 

Nuôi cá ngàn đô ở Kon Plông - 1

Cá tầm trưởng thành nặng trên 4 kg sẵn sàng cho trứng.

 

Công ty cổ phần Thủy sản Măng Đen là doanh nghiệp đầu tiên đưa cá tầm vào nuôi ở xứ lạnh Kon Plông. Hiện công ty đang có trên 600 con cá tầm trưởng thành, hoàn toàn chủ động được nguồn cá bố mẹ. Năm vừa rồi, đa số cá đều cho trứng nhưng công ty chưa cho đẻ.

 

Anh Trịnh Quang Minh- Giám đốc công ty - vui mừng: “Cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia thủy sản đến từ Ukraine, chúng tôi đã tiến hành ấp trứng hai lần tại Kon Plông và đều thành công với tỷ lệ nở trên 80%. Tổng cộng đã có 16 kg trứng cá được nhập về ấp.

 

Mới đầu cũng rất lo vì mỗi kg trứng đã thụ tinh nhập về có giá đến 8.000 USD. Chỉ chút sơ suất là vài trăm triệu đồng thành mây khói ngay.

 

Việc chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia cho kỹ sư chúng tôi sẽ được tiến hành. Hy vọng một ngày gần đây, chúng tôi sẽ tự chủ được nguồn trứng để ấp, vừa hạ giá thành sản phẩm vừa chủ động nguồn giống”.

 

Mới hiện diện ở vùng đất này được 3 năm nhưng theo đánh giá của các chuyên gia Ukraine, khí hậu ở Kon Plông rất phù hợp với cá tầm, quan trọng là tìm được nguồn nước sạch.

 

Trung bình, cá nuôi khoảng 8-9 tháng đạt 1 kg, đặc biệt nhiều con có thể đạt 3 kg/năm. Chi phí cho mỗi kg cá tầm nuôi thịt chỉ tốn trên dưới 150 ngàn đồng. Nếu chủ động nuôi được trùn quế, trùn hương và các loại cá nhỏ làm thức ăn cho cá tầm, chi phí sẽ thấp hơn nữa.

 

Hiện cá tầm thịt có giá 500 ngàn đồng- 600 ngàn đồng/kg. Gần đây, một số nhà hàng sang trọng vùng Tây Nguyên cũng như khu vực miền Trung đã xuất hiện các món cá tầm trên thực đơn.

 

Dù chưa sản xuất được sản phẩm trứng cá tầm- mục tiêu cuối cùng của việc nuôi cá nhưng một số nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trong nước đã đánh tiếng hỏi mua, sẵn sàng trả giá trên dưới 1.500 USD cho mỗi kg trứng cá. Và theo anh Minh, cầu luôn vượt cung nên trứng cá tầm sẽ không thiếu nơi tiêu thụ.

 

Hơn 10 bể cá tầm giống, mỗi bể trên 3.000 con từ lứa ấp thứ hai đang được nuôi dưỡng, sinh trưởng tốt tại trại nuôi ở xã Hiếu là minh chứng cho sự hiện diện vững chắc của loài cá quý này. Hiện mỗi con giống to bằng ngón chân cái được bán ra với giá trên dưới 80 ngàn đồng. Đã có hàng ngàn con cá tầm giống được xuất sang Lâm Đồng, đang phát triển tốt.

 

Ăn ngủ cùng cá

 

Rất đỏng đảnh với thời tiết là đặc tính của cá tầm. Vì vậy, nhiều kỹ sư công ty lắm lúc trắng đêm với lứa cá giống đầu tiên nhập từ Ukraine về. Bởi chỉ vài chục ngàn con cá giống, giá đã cả ngàn USD, chỉ chút sơ suất là tiền mất tật mang.

 

Kỹ sư, nhân công suốt ngày đêm chăm chăm nhìn bể cá giống, sẵn sàng đối phó với sự cố dù nhỏ nhất có thể xảy ra. Thức ăn của cá là trùn quế, trùn chỉ được nhập từ Quảng Ngãi và ấu trùng cùng cám công nghiệp. Cứ cách 5 giờ đồng hồ, thức ăn lại được rải xuống. Mỗi ngày, thấy cá ăn hết thức ăn, bơi lội khỏe mạnh là ai cũng vui.

 

Một tháng, hai tháng, ba tháng rồi đến gần cả năm sau, những chú cá tầm tỏ ra thích hợp với vùng đất này, lớn nhanh đến ngạc nhiên. Và nay, mọi việc bắt đầu đi vào quỹ đạo. Lứa cá tầm ngày ấy có con trội hẳn, nặng đến… 15 kg.

 

Nhiều chuyên gia về thủy sản nước bạn Ukraine cũng hồ hởi xác nhận với đối tác phía Việt Nam là vùng Kon Plông hoàn toàn thích hợp để nuôi thành công loài cá xứ lạnh quý giá này.

 

Trang trại nuôi cá tầm lớn nhất huyện Kon Plông có “đại bản doanh” ở xã Hiếu nằm lọt thỏm dưới hẻm núi. Hồ nuôi cá được đào sâu hơn 1,5 mét, rộng trên 2 mét, sau đó trải bạt lên trên, cho nước vào và thả cá.

 

Nước nuôi cá tầm được lấy từ một con suối gần đó. Có cả van xả vào, ra để nước luôn sạch, đảm bảo môi trường, ô xy cho cá.

 

Anh Phạm Minh Đức - người quản lý trang trại cho biết: “Nhiệt độ chừng 19-23oC là lý tưởng cho cá tầm tồn tại, thích nghi và phát triển tốt. Nuôi cá tầm chẳng khác gì nuôi con mọn, phải chăm sóc thật kỹ để chúng ăn hết thức ăn, nước phải sạch… Nếu chúng trở chứng, chắc chúng tôi cũng… bỏ ăn theo”.

 

Cơ hội cho dân bản địa làm giàu

 

Kon Plông là một trong những huyện có tỷ lệ người bản địa (Xê Đăng, Hrê…) cao, chiếm trên 95%. Nhưng cũng nơi đây đang sở hữu tài sản thổ nhưỡng, khí hậu rất quý.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đặng Thanh Nam lạc quan: “Chúng tôi có Khu Du lịch Sinh thái Măng Đen giá trị và đang có những tín hiệu tốt từ các nhà đầu tư. Gần đây, việc nuôi thành công cá tầm mở ra hướng đi mới trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của huyện bởi nơi đây có nhiều suối, nước rất sạch, khí hậu mát mẻ. Nắm bắt được cơ hội này, chúng tôi đã cùng với các ngành chức năng của tỉnh thống kê diện tích mặt nước để có hướng phát triển, nhân rộng nghề nuôi cá tầm, xem đây là một trong những thương phẩm chiến lược…”. 

 

Mới đây, lãnh đạo huyện Kon Plông đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các nhà quản lý, ngân hàng, Hội Nông dân… để tìm cách đưa cá tầm về hợp tác xã hoặc hộ gia đình.

 

Một số ngân hàng có chi nhánh ở địa bàn Kon Tum ngỏ ý sẵn sàng cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để nuôi loài cá quý này. Theo ông Nam, thời gian tới huyện sẽ thành lập một hợp tác xã nuôi cá tầm, sau đó mới hướng đến hộ gia đình.

 

Một tin vui nữa đến với huyện Kon Plông là có hai nhà đầu tư cũng mới khảo sát và cam kết triển khai nuôi cá tầm tại một số xã trong huyện. Theo “lộ trình” nuôi cá tầm, bán trứng cá tầm thương phẩm của các doanh nghiệp, hàng ngàn người dân nếu được tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ hưởng lợi theo. Bởi mỗi con cá tầm trưởng thành, chỉ cần một năm thu 1/4 kg trứng đã thắng lớn.

 

Chiều xuống. Trời dẫu tạnh mưa nhưng sương đã lan đầy, theo các cơn gió thông thốc nhuốm màu trắng tinh khiết trên các con đường, thung lũng. Kon Plông không xa sẽ bớt hiu quạnh như hôm nay!

 

Theo Trần Hiếu

 Gia Lai Online