1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nước ngầm nhiễm thạch tín ở Hà Nội: “Không có gì đáng lo!”

Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội khẳng định dù tại một vài nhà máy nước mức nhiễm thạch tín (asen) vượt ngưỡng qui định nhưng “không thật sự đáng lo ngại”. Lý do: khi pha loãng nguồn nước, hàm lượng asen sẽ giảm.

Lúc lên, lúc xuống

 

Theo Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, phần lớn các nhà máy sản xuất nước của TP Hà Nội đều được xây dựng trước năm 1985. Vào thời điểm đó, vấn đề nhiễm asen chưa được nhắc tới. Các công nghệ xử lý nước tại những nhà máy này chủ yếu để xử lý sắt và mangan. Những nhà máy này vẫn đang áp dụng phương pháp làm thoáng tự nhiên, tức là dùng giàn phun mưa tự nhiên khử sắt và mangan. Phương pháp thứ hai là cách làm thoáng cưỡng bức, trong đó có công nghệ khử asen nhưng trên địa bàn TP mới chỉ có Nhà máy nước Nam Dư áp dụng.

 

Cũng theo công ty, công nghệ của các nhà máy xây dựng trước đây vẫn đang tương thích với việc xử lý asen. Trong quá trình làm thoáng tự nhiên, khi đưa nước làm mưa tự nhiên kết hợp xử lý hàm lượng sắt và mangan trong nước, tỉ lệ asen trong nước cũng đã cơ bản được xử lý.

 

Ông Bùi Văn Mật, giám đốc Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, khẳng định tại một số khu vực, đặc biệt là phía nam TP, có tình trạng nhiễm asen trong nước ngầm. Khu vực này hiện có hai nhà máy nước Pháp Vân và Hạ Đình với công suất khoảng 20.000 m3/ngày đêm. Một năm công ty gửi mẫu hai lần tới Viện Năng lượng nguyên tử, Trung tâm công nghệ hóa học Trường đại học Khoa học tự nhiên vào mùa mưa và mùa khô để xác định hàm lượng asen.

 

Vào mùa khô, hàm lượng asen trong nước tăng hơn so với mùa mưa. Đỉnh điểm trong mùa khô lượng asen trong nước đã qua xử lý tại hai nhà máy nước Pháp Vân và Hạ Đình khoảng 0,02 mg/lít, có lúc trên 0,02 mg/lít. Mức này nếu tính theo mức chuẩn 0,01 của Bộ Y tế qui định rõ ràng đã vượt chuẩn. Tuy nhiên, mức này không phải thường xuyên, cũng có lúc hàm lượng asen giảm xuống dưới 0,02 mg/lít - ông Mật nói.

 

Theo đánh giá của công ty, với những vùng có nguồn nước ngầm bị nhiễm asen nặng nhất TP như khu vực phía nam, tỉ lệ này mặc dù vượt chuẩn nhưng không thật sự đáng lo ngại vì đây là hàm lượng xác định tại nhà máy, còn khi đưa nước vào nguồn hàm lượng này chắc chắn sẽ giảm xuống do nguồn nước đã được pha loãng.

 

Tìm bãi giếng khác

 

Xung quanh kết quả nghiên cứu mới công bố xác định mẫu nước đã qua xử lý của ba nhà máy, trong đó có Nhà máy nước Yên Phụ bị nhiễm asen với mức 0,05 mg/l, vượt chuẩn qui định năm lần, ông Mật nói nguồn nước đã qua xử lý theo kết quả công bố tại nhà máy này là không chính xác vì khu vực Nhà máy nước Yên Phụ không phải là vùng nước ngầm bị nhiễm asen nặng.

 

Ông Mật cho biết: “Chúng tôi đang có phương án tìm một bãi giếng khác thấp hơn để thay thế bãi giếng nhiễm asen. Trong trường hợp không tìm được sẽ áp dụng phương án thứ hai, cụ thể trong năm 2007 khi nguồn nước tại nhà máy nước mặt sông Đà về với công suất 150.000 m3/ngày đêm, gấp năm lần công suất của những nhà máy này, sẽ cho dừng khai thác nguồn nước tại các nhà máy Pháp Vân, Hạ Đình”.

 

Điều lo ngại trước mắt chính là những khu vực chưa có nguồn nước sạch từ TP đang phải dùng nước giếng khoan. Chất lượng nước giếng khoan do các hộ dân tự xử lý hoàn toàn không ổn, TP sẽ nhanh chóng mở rộng phạm vi cấp nước tới những khu vực này - ông Mật nói.

 

Theo Xuân Long

Tuổi Trẻ