1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nước ngầm ngày càng “bẩn” hơn

(Dân trí) - Nhiều khảo sát mới đây cho thấy, nước ngầm tại TPHCM ngày càng suy giảm chất lượng, một số khu vực bị nhiễm khuẩn Coliform, E.coli... Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Nhiều nhà khoa học lo ngại TPHCM có khả năng đang lún vì người dân khai thác nước ngầm quá mức. Nay các ngành chức năng lại lo ngại cho sức khỏe người dân dùng lượng nước ngầm này vì nó đang bị nhiễm bẩn.
 
Theo khảo sát mới đây của Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TPHCM thì chất lượng nước của tầng nước ngầm thứ 2 trên địa bàn TP đang có dấu hiệu suy giảm. Nước ngầm thuộc tầng nước này tại một số địa bàn như quận 9, 10, 11, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú có hàm lượng nitơ (NO3) cao; riêng tại Gò Vấp thì hàm lượng nitơ đã vượt tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống.
 
Sở TNMT còn cảnh báo, nước ngầm lấy từ các giếng khoan gần hầm vệ sinh tự hoại, gần kênh rạch ô nhiễm thì mức độ nhiễm bẩn càng cao hơn.
 
Nước ngầm ngày càng “bẩn” hơn  - 1

Nhiều người dân sử dụng nước ngầm, có nơi nhiễm bẩn và chua loét vì phèn, phải để lắng lại mới dùng được (Ảnh: Tùng Nguyên)

Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn TPHCM cũng có một khảo sát khác tại các quận 9, Thủ Đức và 4 huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh cho thấy nước ngầm tại một số khu vực trên địa bàn các quận huyện này bị nhiễm vi sinh nặng.

Đặc biệt tại khu vực các xã Hiệp Phước, Phước Kiển, Long Thới (Nhà Bè); Phong Phú (Bình Chánh) có tồn tại vi sinh như Coliform, E.coli... Trong khi theo quy định Việt Nam thì các thành phần trên không được có trong nước sinh họat.

Theo thống kê của Sở TNMT thì TP có khoảng 1/3 dân số phải sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt và sản xuất. Mỗi ngày người dân khai thác khoảng 525.000 m3 nước ngầm; trong đó, dùng cho sinh họat là khoảng 125.000 m3/ngày.

Theo báo cáo giữa năm 2008 của Sở TNMT về tình hình sử dụng nước ngầm trên địa bàn TP thì hiện TP có gần 200.000 giếng khoan, công suất khai thác trên 1 triệu m3/ngày, gấp 5 lần nguồn cung nước ngầm tự nhiên; hầu hết các giếng khoan này đều khai thác trái phép. Tuy nhiên, do nhân lực yếu nên ngành TNMT vẫn chưa thể quản lý được họat động này.

Do không quản lý được nên họat động khai thác nước ngầm trên địa bàn TP đang diễn ra khá phức tạp, dẫn đến nhiều nguy cơ tiền ẩn; trong đó có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi sử dụng nguồn nước ngầm nhiễm bẩn. 

Ngoài ra, các giếng khoan khai thác nước ngầm bị bỏ vì hư hỏng cũng là một con đường dẫn các chất thải xuống tầng nước ngầm làm ô nhiễm nguồn nước, mà các cơ quan chức năng không nắm được để ngăn chặn.

Nhận ra nguy cơ của việc khai thác nước ngầm tùy tiện, ngay từ tháng 5/2007, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND quy định việc hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất tại một số khu vực trên địa bàn. Tuy nhiên, việc khai thác trái phép vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TNMT, thì người dân TP khai thác nước ngầm nhiều như vậy cũng vì họ có nhu cầu. Do hệ thống nước máy chưa trải khắp địa bàn TPHCM và mỗi ngày TP cũng chỉ cung cấp được 1,2 triệu m3 nước sạch trong khi nhu cầu của 8 triệu dân TP lên đến 1,7 triệu m3/ngày. Do vậy, nhiều người dân TP đành phải sử dụng nước ngầm đang bị nhiễm bẩn.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm