1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nước máy TPHCM lại đục

Gần đây, nước máy tại nhiều khu vực ở TPHCM bắt đầu đục trở lại. Nhiều chuyên gia cấp nước dự báo nước máy sẽ tiếp tục đục khi hàm lượng măngan (Mn) trong nước sông Sài Gòn đang lên cao.

“Một màu nâu, đen... chấm thêm màu vàng”

Ngày 21/5, nhiều hộ dân trên đường Vườn Lài, phường Tân Thành, quận Tân Phú cho biết nước máy lại bị đục kéo dài từ sáng đến chiều mới đỡ hơn. Bà Lê Thị Cúc ở trên đường này nói: “Sáng mở vòi, nước máy phụt ra màu đen, nâu có nhiều cặn, xả bỏ rất lâu cặn vẫn không giảm...”.

Nhiều hộ dân gần đó xác nhận cũng bị tình trạng tương tự. Người dân trên đường Nguyễn Minh Hoàng, phường 12, Q.Tân Bình cũng cho biết gần đây nước máy thường đục trở lại vào sáng sớm, có khi kéo dài 3-4 ngày trong tuần.

Giải thích hiện tượng này, ông Lại Văn Đang - giám đốc Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa - cho rằng do công tác súc xả định kỳ (mỗi tháng một lần) trên các tuyến ống cấp 2, cấp 3 nên gây xáo trộn thủy lực và chỉ gây đục cục bộ một vài khu vực.

Ngày 22/5, nhân viên Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa xuống các địa chỉ phản ảnh nước đục kiểm tra, xử lý và người dân ký giấy xác nhận “nước đã trong trở lại”. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau đó, chúng tôi trở lại khu vực này, ghi nhận nước máy vẫn còn ngà ngà vàng.

Tại nhà bà Cúc, chúng tôi đã dùng bông gòn bọc vòi và cho nước máy chảy vào xô để so sánh với một xô vừa hứng trước đó. Nước trong xô đã lọc trong hơn nhiều lần so với xô nước không lọc. Miếng bông gòn dùng lọc nước chuyển từ màu trắng sang nâu đen. Khoảng một giờ sau, đổ xô nước không lọc đi, dưới đáy xô đóng một lớp cặn. “Đã gần một tháng nay, nước máy hay ngà ngà vàng như thế, có hôm thì trở đục nặng...” - bà Cúc nói.

Tiếp tục sẽ đục

Đã dự báo nước đục trở lại

Một chuyên gia trong lĩnh vực cấp nước cho rằng việc nước máy đục trở lại đã được dự báo từ trước. Chuyên gia này khẳng định hàm lượng Mn trong nước được xử lý dưới 0,02mg/l là dưới mức bám cặn, không gây đục nước. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi là phải xử lý Mn từ nguồn (sông Sài Gòn), bởi nếu xử lý tại nhà máy thì lượng Mn được loại bỏ vẫn lẩn quẩn đâu đó. Chúng bám vào các thành ống, vách ngăn dưới dạng MnO2, vi khuẩn và phát triển rất nhanh. Khi có sự xáo trộn nhẹ là chúng rớt ra và hòa vào đường ống dẫn nước.

Nhiều khả năng tình trạng xảy ra nước đục trong thời gian gần đây nằm ngoài khả năng kiểm soát của Sawaco bởi hầu hết người dân cho biết họ không nhận được thông báo từ các công ty cổ phần cấp nước hay chi nhánh cấp nước (ngoại trừ những lần cúp điện, sửa chữa lớn).

Như vậy, sau một thời gian dài  nội bộ Sawaco tranh cãi về qui trình xử lý nước chưa ngã ngũ thì nay nước đục vẫn tiếp tục xảy ra.

Trong các hội thảo trước đây, giám đốc NMTH Mai Lương Binh cho rằng nguyên nhân chính gây nước đục do nhà máy chưa xử lý tốt Mn và đã cải tiến qui trình xử lý nước (từ tháng 6/2006), xử lý Mn dưới mức 0,02mg/l (dưới mức bám cặn - theo Tổ chức Y tế thế giới).

Trong thời gian áp dụng qui trình này, ít xảy ra tình trạng nước đục, ngay cả trong những lần cúp điện, bảo trì NMTH. Tuy nhiên, do chưa có đơn vị chuyên ngành khoa học nào đánh giá hiệu quả của qui trình này nên cuối năm 2006, Sawaco đã yêu cầu NMTH trở lại qui trình thiết kế theo hướng thừa hưởng một số ưu điểm từ qui trình cải tiến.

Theo các chuyên gia ngành cấp nước, qui trình xử lý nước mà NMTH đang áp dụng tuy đã xử lý hạ thấp được hàm lượng Mn trong nước nhưng không ổn định. Chỉ cần nước ra NMTH có hàm lượng Mn hơn 0,02mg/l kéo dài vài giờ trong ngày cũng sẽ làm cặn tích tụ dần trên thành đường ống.

Lâu ngày, khi có một xáo trộn thủy lực do sửa chữa đường ống, cúp điện... nước sẽ lại đục. Bà Nguyễn Thị Hường, phó ban kỹ thuật chất lượng nước của NMTH, thừa nhận chất lượng nước ra NMTH vẫn hiện có hàm lượng Mn trung bình vào khoảng 0,02mg/l, có lúc lên 0,05mg/l...

Nhiều người cho rằng đó là nguyên nhân gây ra tình trạng nước đục tại nhiều khu vực trong thời gian gần đây. Người dân bắt đầu lo ngại tình trạng này sẽ tiếp tục bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới khi mà hàm lượng Mn trong nước sông Sài Gòn đang lên cao vào mùa mưa (hiện Mn trong nước sông Sài Gòn dao động từ 20-40mg/l).

Theo Quang Khải
Báo Tuổi trẻ