1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Nước máy nhiễm bẩn: “Mong bà con thông cảm!”

Trước bức xúc của người dân khi phải trả tiền mua nước sạch lại phải nhận nước bẩn và tình trạng này đang diễn ra trên diện rộng tại TPHCM, ông Bùi Sĩ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã dành cho báo chí một cuộc phỏng vấn.

Thưa ông, vì sao Sawaco lại tăng nguồn nước quá đột ngột từ 150.000-180.000m3/ngày lên 250.000m3/ngày? Việc tăng mạnh nguồn nước kèm theo việc xả ra một lượng nước lớn tại các trụ cứu hỏa cùng lúc có phải nhằm súc xả đường ống?

Để đảm bảo tiếp nhận 250.000m3/ngày từ Nhà máy nước Tân Hiệp và giảm thiểu các ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân như nước đục, mất nước khi tăng...chúng tôi phải làm theo nguyên tắc nâng công suất phát nước từ 180.000m3/ngày lên 300.000m3/ngày (sau đó điều chỉnh giảm dần xuống còn 250.000m3/ngày).

Nước máy nhiễm bẩn: “Mong bà con thông cảm!” - 1
  

Ông Bùi Sĩ Hoàng

Việc này ít nhiều tạo đột biến dòng chảy trong mạng gây tình trạng nước đục và phát sinh các rủi ro ngoài ý muốn nên cần phải xả ra lượng nước tăng đột biến nêu trên (120.000m3/ngày) tại các họng xả đầu nguồn vào thời điểm mới phát nước. Sau đó mới giảm dần lưu lượng nước xả đầu nguồn để tăng lượng nước cấp vào mạng.

Cần phải tăng lượng nước cung cấp lên đến 250.000m3/ngày vì hiện nay công suất của Nhà máy nước Tân Hiệp vẫn chưa mở hết (công suất 300.000m3/ngày). Quan trọng hơn là người dân tại nhiều khu vực bị thiếu nước, không có nước dùng hoặc không đủ nước dùng như khu vực Nhà Bè, quận 7, quận 8.

Đến hôm qua (31/3), người dân cho biết nước vẫn vàng đục. Vậy bao giờ nước mới hết đục trên diện rộng, thưa ông?

Theo kế hoạch, đến hết ngày 31/3/2006 nguồn nước đưa vào cung cấp sẽ cơ bản sạch, trở lại gần như bình thường!

Thưa ông, người dân đã rất mệt mỏi vì nước liên tục bị nhiễm bẩn?

Mong bà con thông cảm, đừng lo lắng nhiều quá! Đúng là chúng tôi đã dự trù khu vực nước sẽ bị đục. Tuy nhiên, mức độ nước nhiễm bẩn, khu vực có nước bị bẩn nhiều khi phát sinh thêm.

Sawaco cũng vừa chỉ đạo các chi nhánh cấp nước trực tổng đài, trực điện thoại nóng 24/24. Những phản ảnh của khách hàng đều phải được xử lý, phản hồi cho khách hàng. Tập trung súc xả, xử lý dứt điểm từng tuyến, từng khu vực nước bị đục. Đối với những khách hàng như trường học, bệnh viện... nếu không xử lý tình trạng nước đục ngay được phải có giải pháp vận chuyển nước bằng xe bồn, cung cấp nước tạm thời trong thời gian xử lý.

Người dân thắc mắc vì sao phải báo lên công ty mới được khấu trừ tiền nước bẩn. Bởi việc người dân phải sử dụng nước bẩn đã được lượng định trước, vậy tại sao Sawaco không tự động khấu trừ cho dân?

Chúng tôi đã tự tăng cường tiếp xúc với khách hàng, với địa phương (tổ dân phố, phường) để thông tin về việc xử lý và ghi nhận thời gian xảy ra đục nước, thời gian xả bỏ nước đục để làm căn cứ tính lượng tiêu thụ thực tế cho khách hàng.

Đối với khu vực có số khách hàng bị ảnh hưởng nước đục tập trung, chỉ căn cứ vào xác nhận của địa phương về thời gian xảy ra nước đục làm cơ sở tính tiền nước cho khách hàng theo hướng giải quyết chung cho khu vực.

Riêng đối với các hộ đơn lẻ, chúng tôi tiếp nhận thông tin khiếu nại, cử ngay người xuống nắm tình hình, xác minh để có căn cứ khấu trừ.

Xin cảm ơn ông.

Theo Võ Hương
Báo Tuổi trẻ