1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nước lũ dâng cao, nhiều tuyến đường ở Quảng Trị bị chia cắt

Đăng Đức

(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài 2 ngày qua khiến mực nước các con sông tại Quảng Trị dâng cao, nhiều tuyến đường tại huyện miền núi Đakrông bị chia cắt, người dân địa phương không thể qua lại.

Trong 2 ngày qua, tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trên các sông tại Quảng Trị, mực nước được dự báo có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, nguy cơ xảy ra lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng thấp trũng, ngập cục bộ tại các khu đô thị.

Tại huyện Đakrông, ông Lê Đại Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, do mưa lớn trên diện rộng đã làm ngập lụt chia cắt nhiều tuyến đường vào trung tâm các xã Pa Nang, A Vao, Ba Lòng... Đặc biệt, tại cầu tràn Ba Lòng (xã Ba Lòng) nước đã ngập cao hơn 2 m, gây chia cắt, người dân không thể qua lại. Các ngầm tràn ở tuyến đường nối Tà Rụt - xã A Vao cũng bị ngập… 

Nước lũ dâng cao, nhiều tuyến đường ở Quảng Trị bị chia cắt - 1

Tuyến đường vào khu vực A Vao, huyện Đakrông bị ngập, chia cắt (Ảnh: CTV).

Mưa lớn cũng đã làm sạt lở đất đá và tắc đường tại km 5+690 tỉnh lộ 588 A. Hiện Hạt quản lý đường bộ đã điều động người và phương tiện để khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo thuận tiện cho việc lưu thông. 

Theo lãnh đạo huyện Đakrông, đối với các khu vực xung yếu, UBND huyện chỉ đạo các xã căn cứ vào tình hình mưa bão để chủ động sơ tán dân cư đến nơi an toàn. Yêu cầu các địa phương vận động người dân tuyệt đối không đi qua lại tại các điểm ngập lụt, không ra sông vớt củi, đánh bắt cá. 

Mưa lớn kéo dài cũng khiến nước sông Sê Pôn (đoạn qua thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) có chiều hướng dâng cao. Ông Lê Bá Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết, chính quyền đã thông báo cho người dân chuẩn bị đồ dùng thiết yếu, sẵn sàng di dời đến nơi an toàn nếu nước sông tiếp tục lên. 

Nước lũ dâng cao, nhiều tuyến đường ở Quảng Trị bị chia cắt - 2

Nước sông tại khu vực miền núi Đakrông đang dâng cao (Ảnh: CTV).

"Địa phương đã xây dựng nhiều phương án di dời dân, chia làm 3 đợt với khoảng 700 hộ dân. Căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện sơ tán dân cư đến vùng an toàn. Các khu vực gồm: Khóm Duy Tân, Cao Việt, Vĩnh Đông, Xuân Phước có nguy cơ bị ngập sâu", ông Hùng nói.

Đến trưa 7/10, tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Toàn tỉnh này có hơn 2.310 chiếc tàu thuyền với 7.160 thuyền viên đã vào nơi neo đậu an toàn. Ngoài ra, 34 tàu thuyền ngoại tỉnh cùng hơn 210 thuyền viên cũng neo đậu tại địa phương.

Sẵn sàng phương án di dời hàng ngàn hộ dân

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã có công điện về tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. 

Trong đó, đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Rà soát kỹ, kiên quyết không để tàu thuyền neo đậu tại vùng không an toàn, hướng dẫn việc neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người. 

Tại các khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là đối với tàu thuyền và bà con ngư dân các tỉnh bạn vào neo đậu, tránh trú trên địa bàn tỉnh, việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn.

Các địa phương căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến bão và hoàn lưu gây mưa lũ để áp dụng phương án ứng phó khi bão, bão mạnh đổ bộ và chia ra 5 vùng trọng tâm sau: Vùng trực tiếp bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; vùng ngập sâu ở trên các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu, Sê Pôn; vùng lũ quét ở Hướng Hóa, Đakrông, gò đồi ở Cam Lộ; vùng sụt lún, sạt lở đất ở Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa; vùng ngập cục bộ ở Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ.

Ở các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh bão từ nhà tạm không đảm bảo phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố. Trong đó, với kịch bản di dân tránh bão cấp độ 3 (bão cấp 10, 11), số người dự kiến cần sơ tán của 4 huyện ven biển (Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng) và huyện đảo Cồn Cỏ là 8.980 hộ với 27.966 nhân khẩu; di dân tránh lũ ngập lụt sử dụng kịch bản sơ tán, di dời dân tránh lũ trên báo động 3 với số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh ngập lũ trên báo động 3 trong toàn tỉnh là 14.340 hộ với 53.000 nhân khẩu.

Kịch bản sơ tán, di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét với tổng số hộ dân cần sơ tán, di dời là 2.244 hộ/8.921 nhân khẩu. Phương án sơ tán, di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất với tổng số hộ dân cần sơ tán, di dời là 1.450 hộ/6.830 nhân khẩu.