"Núi" phế thải của công trình trái phép trên Sơn Trà sau cưỡng chế
(Dân trí) - Hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) sau khi bị cưỡng chế đã để lại những khối bê tông, gạch đá và rác thải tràn ra cả bờ biển, gây mất mỹ quan.
Từ đầu tháng 4 đến nay, UBND quận Sơn Trà đã tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ hàng loạt công trình vi phạm theo kết luận của Thanh tra TP Đà Nẵng.
Đồng thời, quận Sơn Trà quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên bán đảo.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí vào ngày 6/7, tại một số công trình, hạng mục như nhà hàng lấn biển, chòi bê tông, đập ngăn suối xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà bị cưỡng chế tháo dỡ hơn 1 tháng trước đã biến thành những bãi rác vì không có người dọn dẹp.
Tại nhà hàng Bảy Ban, vật dụng có giá trị lớn được chủ cơ sở di dời, còn lại những vật liệu xây dựng đã qua sử dụng như mái tranh, gạch vỡ, khối bê tông cốt thép… chất thành đống, tràn ra cả bờ biển, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, tại nhiều điểm du lịch xây dựng trái phép tháo dỡ từ trước, các lối xuống biển cũng bị chủ hộ kinh doanh chặn lại bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tại khu vực bãi đá Obama, ghi nhận có tình trạng tổ chức dựng chòi để đón khách du lịch. Tại đây, còn xuất hiện tình trạng "cò" lặn ngắm san hô "chui" chào mời khách hàng sử dụng dịch vụ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Công Thanh - Phó Chủ tịch quận Sơn Trà - cho hay, sau khi cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép, địa phương đã thông báo cho chủ các công trình đến thu dọn đồ đạc, vật dụng.
Khi hết thời gian thông báo, quận mới thực hiện việc tổng dọn vệ sinh, cải tạo môi trường và quận đang xin kinh phí để thực hiện.
Liên quan đến các công trình sai phạm trên bán đảo Sơn Trà, trước đó UBND quận Sơn Trà đã đề ra lộ trình đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ các công trình trên.
Theo kết luận của Thanh tra TP Đà Nẵng ban hành từ năm 2016, có 68 công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà (từ năm 1997 đến 2010) buộc phải tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu.
Việc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (cũ) giao khoán đất rừng đặc dụng có rừng tự nhiên cho các hộ gia đình để thực hiện trồng rừng và phát triển kinh tế vườn là trái quy định của Chính phủ.