Nam Định:
Nữ Nghệ sĩ nhân dân và kỷ niệm 4 lần được gặp Bác Hồ
(Dân trí) - Trong sự nghiệp ca hát của mình, Nghệ sĩ nhân dân Kim Liên vinh dự được gặp Bác Hồ 4 lần, được hát, được ngâm thơ cho Bác và được Bác tặng một chiếc thước kẻ gỗ do chính tay Người làm.
"Bác tặng cô Tâm, tặng Kim Liên, cô gái múa dẻo, hát hay".
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) chèo Nguyễn Kim Liên (82 tuổi), sinh ra và lớn lên tại xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong gia đình có truyền thống nghệ thuật.
Ngay từ bé, bà Liên đã bộc lộ là người có giọng ca ngọt ngào và đằm thắm, lối diễn xuất chèo linh hoạt, ấn tượng. Năm 1959, bà được gọi vào đội chèo Tỉnh đoàn Nam Định đi lưu diễn.
Nhớ lại lần đầu gặp Bác Hồ, NSND Kim Liên kể, vào ngày 21/5/1963, Đoàn chèo Nam Định được mời đến hội trường Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định biểu diễn chào mừng Bác và đoàn công tác về thăm Nam Định.
Khi đó NSND Kim Liên được phân đóng vai cô Tâm trong vở chèo "Chị Tâm bến Cốc". Vở diễn kết thúc, Bác Hồ mang bó hoa duy nhất lên sân khấu tặng cho nữ nghệ sỹ trẻ và ân cần bảo: "Bác tặng cô Tâm, tặng Kim Liên, cô gái múa dẻo, hát hay. Bác mong cháu cố gắng làm thế nào được như cô Tâm".
Nhận bó hoa từ tay Bác Hồ, bà Liên xúc động: "Con xin Bác, nghe lời Bác dạy con sẽ cố gắng được như cô Tâm".
Chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1968, Đoàn chèo Nam Hà (Hà Nam và Nam Định hợp nhất với nhau) lên Hà Nội phục vụ Bộ Chính trị vở diễn "Trần Quốc Toản ra quân".
Đoàn chèo được bố trí nghỉ tại nhà khách Chu Văn An. Sáng ngày 21/12/1968, thư ký riêng của Bác là ông Vũ Kỳ đã đến nhà khách thăm đoàn chèo. Tại đây đoàn chèo đã đề đạt nguyện vọng được gặp Bác Hồ. Sau khi được sự đồng ý của Bác, NSND Kim Liên cùng với 3 người khác đã được đến Phủ Chủ tịch gặp Người.
Tại đây bà đã ngâm các đoạn trích "Kiều gặp Kim Trọng", "Kiều ở lầu Ngưng Bích" cho Bác nghe. Với mỗi bài, Bác Hồ thưởng cho bà Liên một cái kẹo. Nghệ sĩ Kim Liên càng bất ngờ và rất xúc động khi Bác vẫn còn nhớ mình và hỏi thăm chồng con ra sao.
Sau khi biểu diễn phục vụ Bộ Chính trị, bà cùng đoàn trở về Nam Định, nhưng 4 ngày sau khi về Nam Định, có một chiếc xe của Bộ Văn hóa về đoàn chèo Nam Định, gọi bà Liên lên Hà Nội làm nhiệm vụ đặc biệt.
Chiếc xe đưa bà Liên đến trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam và bà được đưa vào phòng thu âm, ở đó đã có 2 người khác là Linh Nhâm và Trần Thị Tuyết, hai giọng ngâm thơ nổi tiếng cả nước lúc bấy giờ.
Một lúc sau bà Liên mới biết rằng mình được mời đến Đài để ngâm bài thơ "Chào xuân 69" của Bác. Sau dịp ngâm thơ đấy, nghệ sĩ Kim Liên rất xúc động khi biết mình được Bác khen: "Giọng Kim Liên trong sáng và đạt được ý thơ của Bác".
"Kim Liên vốn ở Nam Đàn chứ!".
Mùa xuân năm 1969, Bộ Văn hóa nghệ thuật thành lập đoàn nghệ thuật tổng hợp gồm 78 người đi lưu diễn dài ngày tại thủ đô Paris (Pháp) và một số nơi ở châu Âu, cùng khoảng thời gian Hội nghị Paris đang diễn ra. Nghệ sĩ Kim Liên được triệu tập tăng cường cho Nhà hát Chèo Trung ương với nhiệm vụ ngâm bài thơ Xuân 1969 của Bác Hồ.
Tại Paris vào đêm giao thừa năm 1969, bà đã ngâm bài thơ "Chào xuân 69" của Bác. Hàng ngàn khán giả xúc động vỗ tay, muốn bà đọc thêm lần nữa.
Sau chuyến lưu diễn phục vụ đồng bào Việt Kiều tại Pháp, ngày 16/7/1969, bà trở về Hà Nội cùng với đoàn lưu diễn. Trong đợt tổng kết lưu diễn, nghệ sĩ Kim Liên được đoàn bầu là đại diện của Nhà hát Chèo Trung ương nhận huy hiệu Bác Hồ. Tại nhà khách Phủ Chủ tịch, đoàn lưu diễn được vinh dự gặp Bác Hồ, do lúc này sức khỏe Bác yếu, nên Bác chỉ tâm sự với đoàn lưu diễn được vài phút ngắn ngủi.
Bà Liên nhớ lại: "Khi ấy Bác hỏi: "Kim Liên, cháu sang tây ngâm thơ của Bác, Việt kiều có thích không?". Tôi mới thưa: "Dạ thưa Bác! Việt kiều thích lắm ạ! Một câu một tràng vỗ tay, 6 câu là 6 tràng vỗ tay. Con thấy hạnh phúc. Chính vì thơ Bác hay nên con ngâm cũng được thơm lây".
Ngày hôm sau nghệ sĩ Kim Liên được thư ký của Bác Hồ là ông Vũ Kỳ đón vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ và ăn cơm cùng.
Nghệ sĩ Kim Liên nói rằng cuộc gặp gỡ lần thứ 4 với Người là lần bà sẽ không bao giờ quên được.
Bà kể: "Vừa gặp, Bác hỏi: "Kim Liên đã đói chưa?". Tôi thưa rằng Dạ thưa Bác, cháu chưa đói ạ! Bác liền bảo chưa đói cũng ăn thôi. Thế là 3 bác cháu cùng ngồi vào bàn ăn. Rồi Bác lại hỏi: "Cháu Kim Liên ăn được mấy bát?", tôi trả lời: "Dạ thưa Bác! Con ăn được 7 bát ạ". Bác cười trìu mến và nói đùa với anh Vũ Kỳ: "Vậy là nó ăn hết phần của Bác cháu mình rồi đấy!". Trong bữa ăn giản dị ấy, tự tay Bác chan cho tôi bát canh cua đồng. Bác còn hỏi thăm sức khỏe 2 cô con gái đầu lòng, dặn anh Vũ Kỳ chuẩn bị kẹo cho 2 cháu".
Biết chuyện Bộ trưởng Xuân Thủy tặng bài thơ, Bác Hồ bảo: "Nghe nói chú Xuân tặng cháu một bài thơ, cháu ngâm cho Bác nghe xem nào. Được Bác yêu cầu, bà Liên liền ngâm lại bài thơ với tựa đề "Đóa sen hồng" do Bộ trưởng Xuân Thủy tặng.
"Vừa đọc câu thứ nhất là: "Kim Liên quê ở Nam Hà", Bác liền dơ tay bảo tôi Dừng và nhẹ nhàng bảo không phải, Bác liền nói: "Kim Liên vốn ở Nam Đàn chứ!". Lúc ấy, tôi còn chưa nghĩ ra là vì sao vẫn còn nói lại với Bác là "Thưa Bác! Con đọc đúng đấy ạ!".
Lúc này anh Vũ Kỳ mới giải thích cho tôi là Kim Liên là làng của Bác đấy, còn Nam Đàn là huyện của Bác! Lúc đấy tôi mới hiểu dù hoàn cảnh, thời khắc nào Người cũng luôn nhớ về quê hương", NSND Kim Liên kể lại.
Chiếc thước kẻ và ký hiệu "S-N-K" Bác Hồ tặng NSND Kim Liên.
Sau bữa cơm, bà Liên mạnh dạn xin Bác dẫn đi thăm nhà sàn. Được Bác đồng ý, bà nghệ sĩ Kim Liên vô cùng hồi hộp khi được thăm nơi làm việc, nghỉ ngơi của Bác. Khi lên đến nhà sàn, mọi thứ ở đây vô cùng giản dị, ngăn nắp, sạch sẽ, trên bàn làm việc có hai chồng sách được chặn bằng quả cân và chiếc thước kẻ gỗ.
Lúc này Bác Hồ cất giọng: "Bác chẳng có gì cho cháu cả. Bác chỉ có cái thước mà lúc còn trẻ đi bôn ba các nước Bác có nhặt được mảnh gỗ, Bác tự tay đẽo thành một cái thước để dùng, nay Bác cho cháu để làm kỷ niệm. Trên thước Bác có khắc ba chữ cái: S - N - K. Cháu biết là chữ gì không?". Nghệ sĩ Kim Liên nói không biết, Bác giải thích: "Đây là 3 chữ Bác viết tắt của câu "suy nghĩ kỹ". Bác tặng Kim Liên và mong Kim Liên luôn nhớ, khi định làm bất cứ một việc gì thì phải "cân nhắc và suy nghĩ kỹ" xem có nên làm hay không".
Từ đó, bà Liên luôn gìn giữ cẩn thận chiếc thước kẻ, mỗi khi dự định làm bất kỳ một việc gì, bà đều nhớ đến ba chữ tô đỏ của Bác Hồ như một lời dặn. Năm 2008, nghệ sĩ Kim Liên đã tặng lại chiếc thước cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để trưng bày, giới thiệu với nhân dân và bạn bè quốc tế.